Tăng cường kiểm soát giết mổ động vật

Lương Hạnh 07:27, 15/11/2023

Xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nhỏ lẻ được cấp phép là một trong những giải pháp góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, số cơ sở giết mổ được cấp phép trên địa bàn tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay và đa phần hoạt động cầm chừng, trong khi hàng trăm cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát, không được cấp phép, không đảm bảo vệ sinh thú y vẫn ngang nhiên tồn tại.

Cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ của gia đình ông Nguyễn Trí Thức (ở xóm Chợ, xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên) luôn được cán bộ chuyên môn giám sát, đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y.
Cơ sở giết mổ động vật của gia đình ông Nguyễn Trí Thức (ở xóm Chợ, xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên) luôn được cán bộ chuyên môn giám sát, đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y.

Sau nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như sự quyết tâm của doanh nghiệp, năm 2018, cơ sở giết mổ tập trung của Công ty CP Hương Nguyên Thịnh được khai trương tại xóm Đà Tiến, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên).

Với số vốn đầu tư 32 tỷ đồng, Công ty đã xây dựng khu giết mổ gia súc hiện đại, cách xa khu dân cư với công suất dự kiến 500 con lợn/ngày. Sản phẩm thịt giết mổ tại đây được kiểm soát, đóng dấu của cơ quan Thú y và bảo quản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Nhà nước.

Được kỳ vọng sẽ là điểm giết mổ quy mô lớn, cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể trên địa bàn, nhưng hiện nay Công ty chỉ giết mổ được từ 20-30 con lợn/ngày. Ông Hoàng Công Bằng, Giám đốc Công ty CP Hương Nguyên Thịnh, chia sẻ: Cơ sở của chúng tôi được đầu tư khá đồng bộ, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn của lò giết mổ công nghiệp nhưng đơn vị đang hoạt động cầm chừng do phải cạnh tranh với các lò giết mổ thủ công, tự phát.

Tương tự, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ của gia đình ông Nguyễn Trí Thức, ở xóm Chợ, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), mặc dù có khả năng giết mổ trên 100 con lợn nhưng hiện cũng chỉ đạt trung bình 15 con/ngày. Ông Thức cho biết: Lợn chúng tôi nhập về được chăn nuôi theo đúng quy trình, có tẩy giun định kỳ. Hiện nay, ngoài cung cấp thực phẩm cho một số bếp ăn ở trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP. Thái Nguyên, chúng tôi vẫn chủ yếu bán ở chợ Tân Long.

Anh Nguyễn Hữu Phúc, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên, phụ trách kiểm soát giết mổ tại cơ sở này, cho biết: Ngay từ khi lợn mới nhập về, chúng tôi đã đến kiểm tra giấy tờ nguồn gốc xuất xứ cũng như tình trạng sức khỏe vật nuôi. Sau khi lợn được giết mổ xong, chúng tôi sẽ kiểm tra và đóng dấu rồi cơ sở mới được vận chuyển đi bán.

Trên thực tế, tại các điểm giết mổ tập trung, nhỏ lẻ được cấp phép, lợn được đưa vào giết mổ đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có sự kiểm soát của cơ quan thú y, đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 cơ sở giết mổ tập trung, nhỏ lẻ được cấp phép đang hoạt động. Các cơ sở này đều được đầu tư bài bản, có cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát và thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định.

Tuy nhiên, các cơ sở đều chưa hoạt động hết công suất do không có thị trường tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, các cơ sở này đang phải cạnh tranh với hàng trăm điểm giết mổ động vật nhỏ lẻ tự phát đang hoạt động ở các khu dân cư, chợ dân sinh…

Hiện nay, tại các chợ, phần lớn lượng thịt gia súc, gia cầm được bán đều không có dấu kiểm soát giết mổ, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, là điều kiện để một số tiểu thương trà trộn bày bán thịt “bẩn”. Trong tháng 10 vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng tấn thịt lợn bốc mùi hôi thối được bày bán ngang nhiên tại chợ Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong xã hội.

Việc quản lý tốt hoạt động giết mổ trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tạo niềm tin cho nhân dân. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, nhỏ lẻ được cấp phép, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần quyết liệt trong việc xử lý vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Cùng với đó, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát hoạt động giết mổ động vật bằng nhiều hình thức khác nhau; xử phạt vi phạm, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của người dân...