Bình thường như mọi năm, qua Rằm tháng Giêng là đồng làng quê tôi đã bao phủ bởi màu xanh non của lúa mới cấy. Năm nay nhuận tháng 2 (Âm lịch) nên gần cuối tháng Giêng, đồng làng vẫn nhộn nhịp tiếng nói cười. Cuộc sống dẫu đổi thay, đồng làng vẫn là biểu tượng khiến mỗi người dân quê tôi luôn tự hào, gắn bó. Trong nắng mưa, bão giông, đồng làng vẫn chiêm, mùa hai vụ.
Nhà tôi trước đây có hàng mẫu ruộng. Sau các anh chị xây dựng gia đình, bố mẹ chia cho mỗi người vài sào. Vợ chồng tôi đi công tác nhà nước nên nhường ruộng cho các anh chị trong nhà cấy hái. Dẫu không có ruộng nhưng vụ cấy hay gặt nào tôi cũng cùng bố mẹ ra đồng cấy hái. Cánh đồng làng có rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ của chúng tôi.
Ngót nghét nửa đời người, đi đây đó cũng nhiều nhưng không hiểu sao đứng trước đồng làng, hít thở bầu không khí trong lành của làng quê, tôi lại như được tiếp thêm năng lượng. Bao ký ức tuổi thơ lại ùa về. Đó là những tháng ngày chăn trâu cắt cỏ trên đồng, đi làm cỏ lúa, cấy gặt, bắt cá giữa đồng,…
Ngoài 70 tuổi, mẹ tôi vẫn làm ruộng. Mẹ bảo, còn khỏe còn đi cấy, trời thương đi cấy về lại khỏe ra. Bởi thế, về quê muốn gặp ông bà cứ ra cánh đồng ngoài làng. Tôi ra đồng tìm mẹ. Cánh đồng như một tấm thảm đang được người dân quê tôi dệt lên màu xanh mạ. Đi qua mấy thửa ruộng lớn, tôi cũng tìm được mẹ đang ngồi nghỉ ở gò đất cao, nơi đặt mộ các cụ tổ tiên. Tôi chợt hiểu, bố mẹ cố giữ ruộng cấy cầy còn để cho ông bà tổ tiên đặt ở cánh đồng này biết mình còn gắn bó với ruộng đồng.
Đi sau mẹ, nhìn bước chân tập tễnh với tấm thân đã còng, tôi chợt cảm thấy bùi ngùi. Mẹ đã già thật rồi. Chỉ có đồng làng bao đời vẫn thế, luôn ôm ấp vỗ về, chở che cho mỗi người dân quê tôi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin