Khúc tráng ca về Đại đội 915

Ngọc Chuẩn 09:21, 24/12/2022

Đại đội Thanh niên xung phong 915 Anh hùng (thuộc Đội 91 Bắc Thái) có những người con quả cảm đã hy sinh tuổi trẻ, đóng góp máu xương cùng quân, dân cả nước bảo vệ, dựng xây Tổ quốc Việt Nam thống nhất, hòa bình. 

Tổ quốc ghi công, hàng triệu trái tim Việt Nam ngấn lệ khi nhắc đến một huyền thoại, khúc tráng ca trên quê hương Thái Nguyên Anh hùng. Huyền thoại ấy được viết lên bằng máu và nước mắt của tuổi trẻ hai tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn sau một trận rải thảm bom B52 của giặc Mỹ cách đây tròn 50 năm.

Ông Lê Huy Lanh, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Thái Nguyên bùi ngùi: Tất cả họ đều còn rất trẻ. Nhiều anh, chị chưa một lần biết đến nụ hôn của tình yêu đã vĩnh viễn nằm xuống trong lúc thực thi nhiệm vụ.

Tôi còn biết, trong đội hình ấy có cả những cô gái mảnh mai, đang ở độ tuổi “cắp sách đến trường”, song mạnh mẽ, quyết liệt xung phong lên đường, bình thản đón nhận gian khổ, hy sinh với tâm huyết được tham gia đánh giặc. Bên hàng mộ chí, tôi đọc được dòng tên: Liệt sĩ Hoàng Thị Hạo, thôn Nà Khuổi, xã Thượng Giáo (Ba Bể); Liệt sĩ Tô Thị Phùng, thôn Bản Cưa, xã Phong Huân, sinh cùng năm và hy sinh trong cùng một khoảnh khắc máy bay B52 giội bom kinh hoàng nhất trong lịch sử chiến tranh ở vùng đất Thái Nguyên. Chị Phùng, chị Hạo sống mãi với tuổi 16.

Bà Triệu Thị Nhình (bên trái), người tham gia Đại đội 915 khi mới 15 tuổi.
Bà Triệu Thị Nhình (bên trái), người tham gia Đại đội 915 khi mới 15 tuổi.

Song hai liệt sĩ đó chưa phải là người trẻ nhất của Đại đội 915, tôi phát hiện ra điều này khi đến thôn Nà Chuông, xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn) và gặp bà Triệu Thị Nhình. Tôi nói vui: Bà trẻ hơn tuổi 65 của mình rất nhiều. Bà phấn chấn, cuộc đời tôi từ tấm bé đã khổ, đến bây giờ vẫn chưa hết khổ. Nhưng khổ nữa tôi vẫn cứ tươi trẻ mà sống… Khi được hỏi về một thời trẻ trung cùng đồng đội tôi luyện trong đạn lửa chiến tranh, bà Nhình dân dấn nước mắt: 60 anh, chị cùng Đại đội tôi hy sinh khi cơm chưa được ăn, nước chưa kịp uống. Còn tôi không biết là may mắn hay vì ngày ấy còn nhỏ quá, mới 15 tuổi, nên không được lựa chọn đi bốc dỡ hàng hóa ở ga Lưu Xá ngày hôm đó.

Bà Nhình vì lý do nhỏ bé, nhiều người khác vì lý do sức khỏe nên trong cái ngày định mệnh ấy không được chỉ huy Đại đội lựa chọn vào làm nhiệm vụ tại ga Lưu Xá. Không đi bốc dỡ hàng hóa, các anh, chị làm nhiệm vụ thông đường như thường ngày. Và sau bữa cơm chiều hôm ấy, từ Linh Sơn, các anh, chị tận mắt chứng kiến những cột khói đen khổng lồ cùng tiếng nổ inh tai, lộng óc rít lên kinh hoàng ở khu vực ga Lưu Xá. Linh cảm một niềm đau xa xót dưới thảm họa bom B52 vừa giội xuống, các anh, chị cùng nín lặng vì sợ một lời nói cất lên sẽ vỡ òa thành nước mắt. 

Vâng! Hôm ấy ngày 24/12/1972, tiết trời ngọt lạnh, dù không có đội viên nào theo đạo Thiên Chúa, nhưng ai nấy đều háo hức trò chuyện với nhau về lễ Noel. Song đó lại là một đêm Noel kinh hoàng, bởi có quá nhiều mất mát, hy sinh trong đổ nát vì bom B52 do đế quốc Mỹ xâm lược mang đến từ nửa bên kia của địa cầu. Chỉ trong ít phút đồng hồ, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 60 TNXP Đại đội 915 đã hóa thân thành bất tử, trở thành một huyền thoại bi hùng, một niềm đau khắc khoải trên vùng đất Thép.

Từ “cõi chết” trở về, sức khỏe yếu nên ông Hoàng Văn Thắng được bà con họ mạc cưu mang, đùm bọc.
Từ “cõi chết” trở về, sức khỏe yếu nên ông Hoàng Văn Thắng được bà con họ mạc cưu mang, đùm bọc.

Đại đội 915 được thành lập tháng 6-1972, gồm hơn 100 cán bộ, đội viên, chủ yếu thuộc 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên. Đại đội có nhiệm vụ bảo đảm giao thông cho các tuyến đường Lạng Sơn - Thái Nguyên, Lạng Sơn - Bắc Giang, ngầm Sơn Cẩm, phà Bến Oánh và tham gia vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa. Là TNXP nên ai nấy vững tâm chấp hành nhiệm vụ trong mọi hoản cảnh. 

Bắt đầu từ ngày 18/12/1972, “pháo đài bay” B52 và máy bay chiến thuật của giặc Mỹ gầm rú trên bầu trời Thái Nguyên. Chúng không ngần ngại trút bom đạn xuống vùng đất có những con người yêu chuộng hòa bình. Đổ nát tan hoang, chết chóc, đau đớn, khắp vùng thoảng đưa mùi khói hương tiễn biệt người thân. Bị bom phá hoại nặng nhất là các khu vực hai bên đầu cầu Gia Bảy, Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn… Trong đợt tập kích 12 ngày đêm cuối năm 1972 bằng B52 vào Thái Nguyên, đau đớn, thiệt hại nhất phải kể đến trận không kích của giặc Mỹ vào ngày lễ Noel 24/12/1972 ở ga Lưu Xá.

Khi rảnh, bà Liêu Thị Ly thường ôn lại ký ức thời tham gia Đại đội 915.
Khi rảnh, bà Liêu Thị Ly thường ôn lại ký ức trong thời kỳ tham gia Đại đội 915.

Để thấu hiểu sâu sắc hơn những mất mát của Đại đội 915, tôi đã tìm gặp các nhân chứng lịch sử, đó là những cựu TNXP còn sống sót sau trận bom thù năm đó. Từ ít năm trước, tôi đến thăm bà Liêu Thị Ly, ở thôn Bản Cưa, xã Phong Huân (Chợ Đồn - Bắc Kạn). Bà Ly kể: Bấy giờ, tinh thần xung phong làm nhiệm vụ của chúng tôi rất cao. Cả các đồng chí trong Đại đội bị thương do bom thù còn chưa lành hẳn là các chị: Lương Thị Phương, Lê Thị Thảo, Nguyễn Thị La… cũng nhất quyết xung phong cùng đồng đội hành quân đến ga Lưu Xá làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng hóa. Khỏe mạnh, lành lặn như tôi, nhận nhiệm vụ đó là rất bình thường. Cùng ở huyện Chợ Đồn, bà Bùi Thị Loan, thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng, góp vui: Là TNXP, nhận lệnh là lên đường, chúng tôi ai cũng háo hức, vô tư, vừa làm vừa tròng ghẹo nhau, cười nắc nẻ…

5 giờ sáng, Đại đội điểm danh, lựa chọn hơn 60 đồng chí khỏe mạnh đi làm nhiệm vụ đặc biệt tại ga Lưu Xá. Xác định rõ nhiệm vụ cần bốc dỡ nhanh hàng hóa chuyển đến vị trí an toàn, cả Đại đội tập trung sức lực làm việc thông tầm từ sáng đến chiều muộn. Vì trên sân ga vẫn còn nhiều hàng hóa nên các cán bộ, đội viên trong Đại đội  không dời vị trí, tình nguyện ở lại ăn nghỉ tại chỗ để tiếp tục làm nhiệm vụ ngay. Nhưng vừa lúc anh nuôi gánh cơm đến thì tiếng còi báo động rú lên. Tất cả chạy xuống hầm trú ẩn, nghe thấy trên mặt đất tiếng bom nổ mạnh đến mức như xé đứt gan ruột. Chợt căn hầm trú ẩn lắc mạnh, từng khối bê tông lớn sập xuống, tiếng người kêu thất thanh rồi ngay lập tức chìm vào cô tịch…

Bà Bùi Thị Loan kể chuyện đơn vị bị máy bay B52 đánh bom.
Bà Bùi Thị Loan kể chuyện đơn vị bị máy bay B52 đánh bom.

Không chết, nhưng bà Bùi Thị Loan hoàn toàn là một con người khác. Di chứng để lại sau trận bom B52 làm bà hóa điên, bỏ đơn vị đi lang thang trong suốt 2 năm trời thì đồng đội mới tìm được, đón về chạy chữa. Trong vòng tay đồng đội, bà Loan nhanh chóng bình phục sức khỏe, tinh thần, trở lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ của người TNXP...

50 năm đã trôi qua nhưng trận bom B52 ngày ấy không bao giờ lặng yên trong tâm trí các thế hệ người Thái Nguyên và Bắc Kạn. Nhưng, dĩ vãng khép lại, tạc vào sử xanh. Các thế hệ người Thái Nguyên mở rộng lòng với bạn bè năm châu, bốn biển. Và dù có đi nơi đâu họ cũng luôn tự hào mình là người con của quê hương cách mạng, được sống, học tập, lao động, cống hiến trên mảnh đất ghi dấu ấn Đại đội 915 Anh hùng.