Đăng ký, xác nhận thông tin cư trú: Người dân có đang bị làm khó?

Đồng Nam 08:06, 02/03/2023

Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 đã có nhiều thay đổi về đăng ký thường trú, tạm trú so với trước đây. Cùng với đó, từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy cũng hết giá trị sử dụng, các thông tin sẽ được cập nhật, khai thác trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Tuy nhiên, từ khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị “khai tử” đến nay, người dân khi đến cơ quan, tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính hay đăng ký tạm trú vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Sinh viên đến làm thủ tục hành chính liên quan đến cư trú tại Công an phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên).
Sinh viên đến làm thủ tục hành chính liên quan đến cư trú tại Công an phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên).

Yêu cầu “giấy phép con” được trút bỏ

Về vấn đề bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, Báo Thái Nguyên đã có bài phản ánh: Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Tiện lợi nhưng vẫn còn vướng mắc, đăng tải ngày 18-2. Nội dung bài viết đề cập đến vấn đề người dân mặc dù đã được cấp căn cước công dân (CCCD) nhưng nhiều trường hợp khi đi đến làm các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, một số cơ quan, đơn vị vẫn yêu cầu phải có giấy xác nhận thông tin cư trú. Điều này khiến bà con thấy phiền hà, bất tiện, mất thời gian, chi phí. Thậm chí có trường hợp phải mất vài ngày đi lại, chờ đợi chỉ vì “giấy phép con” này.

Còn anh Vi Ngọc H., công dân xã T. (Định Hóa), nói: Theo yêu cầu của công ty, tôi phải có giấy xác nhận thông tin cư trú. Rất may trước khi xuống làm việc, tôi được bạn bè thông báo qua Zalo nên đã ở lại xin. Mặc dù đỡ được công sức, thời gian và chi phí đi lại nhưng lịch trình của tôi bị chậm 2 ngày.

Trên thực tế, việc cấp giấy xác nhận thông tin cư trú mặc dù đã được ngành Công an tạo điều kiện thuận lợi, nhưng không phải lúc nào cũng diễn ra một cách thuận tiện. Một đồng chí Phó trưởng Công an xã ở huyện Định Hóa thông tin: Từ đầu năm đến nay, Công an xã đã cấp trên 100 giấy xác nhận thông tin cư trú cho bà con với nhiều trường hợp như: lao động đi làm ăn xa; trẻ em mầm non, người cao tuổi… Tuy nhiên, vì mọi thao tác, thủ tục đều thực hiện trên Cổng dịch vụ công nên có thời điểm nghẽn mạng hoặc máy móc trục trặc thì việc cấp giấy xác nhận cho bà con bị chậm. Thậm chí có ngày chúng tôi chỉ giải quyết được cho vài trường hợp.

Có thể thấy, việc một số cơ quan, tổ chức yêu cầu công dân phải có giấy xác nhận thông tin cư trú đã gây sự phiền hà, vướng mắc cho người dân. Đây là vấn đề xảy ra không riêng tại Thái Nguyên mà trên khắp cả nước.

Trước thực trạng trên, ngày 25-2 vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc và Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,đã nhấn mạnh và chỉ đạo: Chuyển đổi số phải phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp, không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ phiền hà, nhất là tránh sách nhiễu.

"Các cơ quan không được yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận tình trạng cư trú khi giải quyết thủ tục hành chính; phải khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sau khi đã bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú."

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thông báo trên nhóm Zalo về hồ sơ thủ tục, thời gian và các giấy tờ liên quan phục vụ cho việc đăng ký tạm trú của sinh viên Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên.

Thêm nhiều loại giấy tờ… gây khó

Rõ ràng, với chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, nỗi lo xuất trình “giấy phép con” của công dân được "trút bỏ". Tuy nhiên, vẫn còn những thủ tục khác khiến công dân gặp khó là các giấy tờ liên quan đến vấn đề đăng ký tạm trú.

Một trong những thủ tục có phần “gây khó” cho sinh viên hiện nay khi làm thủ tục đăng ký tạm trú là việc yêu cầu chủ nhà trọ cho thuê phải photocopy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và giấy phép xây dựng (GPXD).

Em Nguyễn Đức Q., sinh viên Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên, nói: Em xin đăng ký tạm trú ở phường Hoàng Văn Thụ. Sau khi đã khai báo cư trú, phường yêu cầu phải có GCNQSDĐ và GPXD (bản photocopy có công chứng) của chủ nhà trọ. Chúng em đã đề nghị với chủ nhà trọ nhưng gần một tháng nay chưa được cung cấp, nên em chưa thể đăng ký tạm trú. Cũng vì lý do đó mà em bị Nhà trường trừ vào điểm thi đua. Trong lớp em có đến 1/3 lớp (gần 20 trường hợp) như vậy.

Còn em Bế N.H, sinh viên Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), phản ánh: Để đăng ký gia hạn tạm trú, em đã nhiều lần truy cập vào Cổng dịch vụ công trực tuyến nhưng đều không thực hiện được, có thể do nghẽn mạng. Có lẽ đợi khi chủ nhà trọ có bản photocopy GCNQSDĐ và GPXD em sẽ mang lên Công an phường để làm thủ tục cho tiện.

Về vấn đề này, ông H. - chủ một xóm trọ ở phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) cho rằng: Để đăng ký tạm trú cho sinh viên mà yêu cầu phải xuất trình GCNQSDĐ và GPXD tôi thấy khá rườm rà, bất tiện. Gia đình tôi xây dựng phòng trọ cho sinh viên thuê đã rất nhiều năm, mọi giấy tờ thủ tục đều đầy đủ. Hơn nữa, những năm trước mỗi khi đăng ký tạm trú cho sinh viên đã nộp kèm lên phường, nhưng khi có sinh viên mới đến trọ lại phải làm từ đầu.

Cùng quan điểm với ông H., nhiều người thắc mắc: Có nhất thiết phải “xuất trình” GCNQSDĐ và GPXD của chủ nhà khi đăng ký tạm trú hay không? Bởi trước khi xây dựng, tất nhiên phải xin cấp phép và trong quá trình xây dựng, cán bộ địa chính - xây dựng phường, xã đều đã nắm bắt. Nếu có tình trạng xây dựng trái phép sẽ bị phát hiện, chính quyền lập biên bản xử phạt và bắt tháo dỡ. Ngoài ra, nhiều người vì những lý do khác nhau đã mang GCNQSDĐ thế chấp ngân hàng để vay vốn, nên mỗi khi cần lấy để photocopy công chứng rất khó khăn.

Đề cập đến vấn đề này, một cán bộ Công an chia sẻ: Tình trạng xây dựng nhà, công trình trái phép trên đất nông nghiệp, đất sản xuất vẫn xảy ra tại một số địa phương. Bởi vậy, việc yêu cầu người đăng ký tạm trú cần chủ nhà cung cấp thêm GCNQSDĐ và GPXD nhằm để chứng minh đó là chỗ ở hợp pháp. Đồng thời ngăn chặn, phát hiện tình trạng xây dựng trái phép.

Vậy nhưng, tại khoản 1, Điều 27, Luật Cư trú năm 2020 quy định về điều kiện, hồ sơ đăng ký tạm trú gồm: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Còn giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, tại Điều 5, Nghị định 62/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú: Khi người dân khi đăng ký tạm trú tại nơi thuê trọ cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu, trong đó chỉ cần có văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở hoặc giấy phép xây dựng nhà.

Như vậy, theo quy định trên thì không bắt buộc người dân thuê nhà phải cung cấp GCNQSDĐ khi làm thủ tục đăng ký tạm trú. Thay vào đó, người đi đăng ký tạm trú có thể xuất trình hợp đồng thuê nhà để chứng minh là đủ. Vì vậy, câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Những yêu cầu như hiện nay phải chăng đang làm khó người dân?