Không nơi nương tựa. Đó là những phận đời lang thang. Xa xót hơn là những em bé bị chính mẹ đẻ chối bỏ tình mẫu tử. Lúc sự sống của họ ví như “đèn cạn dầu” thì Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh (Sở Lao động - TB&XH) mở rộng cửa đón về. Kể từ đó, Trung tâm trở thành nơi nương tựa của những phận đời từng bị người thân bỏ rơi. Đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động ở Trung tâm trở thành thân nhân, làm ấm lại những mùa Xuân của tình người.
Các cụ được cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh chăm nuôi như cha, mẹ mình. |
Lòng thiện lương khởi từ tâm. Tôi nghĩ như thế khi chứng kiến các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm đến Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh để góp Tết với các đối tượng bảo trợ xã hội. Dù ở đây các đối tượng đã có chế độ ăn Tết Nguyên đán do Nhà nước chu cấp, nhưng những món quà ý nghĩa thể hiện sự quan tâm của cộng đồng xã hội đối với những phận đời không may mắn.
Chị Nguyễn Thúy Hường, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: Chúng tôi coi các cụ như cha mẹ mình; coi các cháu như con đẻ của mình, thậm chí còn hơn thế. Vì chúng tôi bảo đảm chăm sóc cho đối tượng 24/24 giờ/ngày… Hiện Trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc 60 người cao tuổi và trẻ em. Nhiều cụ có thể trạng yếu do bị tai biến mạch máu não, tiểu đường, tim mạch, bại liệt hoặc mắc chứng bệnh hoang tưởng. Còn trẻ em phần nhiều mắc các bệnh bẩm sinh như não úng thủy, trí tuệ phát triển kém và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Nên ngày Tết chúng tôi động viên nhau cố gắng bù đắp cho các cụ, các em, các cháu những gì tốt nhất có thể.
Không khí Tết chan hòa làm nguôi với cái rét đậm, rét hại cuối năm. Trừ các cụ già hệ vận động bị suy nhược và những cháu nhỏ đang được các mẹ ẵm ngửa trên tay, ai nấy phấn chấn, mỗi người một việc: Dọn dẹp, trang trí phòng ở, vệ sinh môi trường khu vực nhà ở, bếp ăn và toàn bộ khuôn viên Trung tâm. Vừa làm, vừa nói cười nắc nẻ. Ai cũng bảo: Thế mới nói là “vui như Tết”.
Các đối tượng ở Trung tâm được hưởng chế độ ăn Tết 5 ngày. Nhưng ở Trung tâm, Tết thường về sớm hơn, có khi từ sau ngày 23 tháng Chạp đã có đoàn đại diện cho cơ quan nhà nước, các đoàn thiện tâm đến tặng quà. Hương vị Tết sớm gợi lòng người nuối nhớ về những tháng năm họ từng có một cái Tết yên vui, sum vầy bên người ruột thịt. Nhưng vì một lý do nào đó họ trở thành người cô đơn, không nơi nương tựa, trở thành công dân ở Trung tâm.
Cụ Dương Thị Bài, 107 tuổi, người cao tuổi nhất, cũng là một trong những người có nhiều năm ở Trung tâm nhất, nói phúc hậu: Tôi không có nơi về, nhưng bù lại tôi có một cuộc đời may mắn là được sống ở Trung tâm. Đã mấy mươi cái Tết, tết nào tôi cũng nhận được nhiều tiền mừng tuổi nhất.
Cùng phòng với cụ Bài, cụ Nguyễn Thị Minh Thân, 84 tuổi, nói từ tốn: Năm nay là Tết thứ 2 tôi đón Xuân ở Trung tâm. Ở đây tôi có cuộc sống vật chất, tinh thần đầy đủ, thoải mái như một gia đình lớn. Vì ở ngoài đời tôi không còn người thân thích… Vừa trò chuyện, cụ vừa ôm di ảnh người chồng quá cố.
Có rất nhiều lý do để bất cứ một ai đó có thể rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, được địa phương gửi gắm vào Trung tâm nuôi dưỡng. Ví như bà Long Thị Định, bị cụt 2 tay, hỏng 1 mắt vì vấp mìn khi đi làm nương. Bà trở thành công dân của Trung tâm từ gần 30 năm nay.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Trịnh Thị Lan Phương, Phòng Quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng, cho biết: Là người tàn tật nhưng bà Định chịu khó tham gia các hoạt động, như giúp nhà bếp nhặt rau, nấu ăn, may vá giúp người yếu hơn trong cuộc sống hằng ngày. Bà Định cũng như các cụ ở Trung tâm luôn có thái độ sống lạc quan, tích cực tham gia các hoạt động chung như: Thể dục buổi sáng, đánh cờ, xem ti vi, tự dọn dẹp phòng ở, cùng cán bộ trồng thêm rau xanh cải thiện bữa ăn.
Tôi nhìn ra khoảng sân trước dãy nhà nội trú, thấy ở đó các cháu đang hồn nhiên nô đùa với trò “xồ cô la cô nề” - trò chơi con mực. Nhóm khác chơi cầu lông, đá cầu… Không khí Tết ngập tràn Trung tâm. Các bé em tươi tắn với bộ cánh mới, gặp ai cũng chào hỏi lễ phép. Song phía sau nụ cười hồn nhiên con trẻ, tôi nhận ra có gì đó vời vợi một niềm đau riêng.
Ví như Hoàng Thị Y., bố mẹ chết do căn bệnh HIV/AIDS. Năm 8 tuổi em được địa phương gửi vào Trung tâm trong tình trạng sức khỏe suy kiệt. Toàn thân lở loét, các mẹ ở Trung tâm đã không quản ngại hôi tanh, hằng ngày tắm rửa, thuốc thang giúp em lành bệnh. Hiện Y. 17 tuổi, khỏe mạnh như bao cô gái tuổi “bẻ gẫy sừng trâu”.
Còn Nguyễn Văn K. đã không may mắn từ khi cất tiếng khóc chào đời. K. bị bố mẹ bỏ rơi trong bệnh viện, cảm thương, một cặp vợ chồng hiếm phúc nhận em về nuôi, được 2 năm thì họ từ chối trách nhiệm, giao em cho Trung tâm nuôi dưỡng. Đến nay, K. đã có 16 năm ở Trung tâm.
Một "thiên thần bé nhỏ” trong vòng tay mẹ. |
Không riêng K., nhiều bé em trước khi vào Trung tâm phải trải qua những ngày cay nghiệt nhiều hơn ngọt ngào. Dù các em chưa cảm nhận rõ điều đó. Có em bị bố mẹ vất bỏ bên lề đường, trong bệnh viện, thậm chí bên thùng rác. Nhưng bản năng sống quyết liệt khiến tiếng khóc xé gan, rách ruột làm rúng động lòng người.
Chị Đỗ Thị Dung, nhân viên Trung tâm, ẵm một bé thơ hơn 3 tháng tuổi mới được địa phương làm thủ tục gửi vào Trung tâm từ đầu tháng 12-2023. Chị bùi ngùi chia sẻ: Mỗi “thiên thần” ở Trung tâm mang một cảnh ngộ éo le. “Thiên thần” tôi đang ẵm bế đã được một gia đình hiếm muộn nhận về nuôi. Cháu khóc ngặt nghẽo khiến bố, mẹ nuôi không đủ sức chịu đựng, đành buông tay giao cháu cho Trung tâm.
Bé ngủ ngon trong vòng tay mẹ Dung, thỉnh thoảng lại dụi đầu vào ngực mẹ theo bản năng sinh tồn thơ trẻ. Ở Trung tâm, các mẹ đã quen với việc đó, và muốn bù đắp cho các con những thiệt thòi từ thuở nằm nôi… Ầu ơ, ngủ ngoan con yêu… Dù sao vẫn là một may mắn. Như cụ Bài bảo số tôi hên hơn mọi người là nhận được nhiều lì xì, có nhiều con. Con của cụ là cán bộ, viên chức, người lao động đang làm việc ở Trung tâm. Còn những bé thơ may mắn được các mẹ ẵm bồng, chăm nom từng bữa ăn, giấc ngủ.
Chị Nguyễn Thị Lý, nhân viên cấp dưỡng, cho biết: Công việc của nhà bếp đương nhiên là nấu ăn. Nhưng có rất nhiều chế độ dinh dưỡng khác nhau: Cơm thường, cơm nát, cháo, bột; thức ăn có thịt băm, thịt kho tàu, thịt luộc, chả lá lốt. Mỗi người một sở thích, lại nữa là rất nhiều người ăn kiêng khác nhau vì các cụ mắc bệnh tiểu đường, xương khớp. Dịp Tết Nguyên đán, công việc vất vả hơn bởi chiều theo ý đối tượng. Đơn giản như bánh chưng cũng có người thích luộc, rán hoặc nướng. Đồ ăn không hết, các cụ mang về treo đầu giường làm của riêng. Đến bữa lại mang xuống nhà ăn, sẻ chia cho mọi người...
Những ngày Tết đầy tình người ấm áp, mọi người chúc nhau vui vẻ, bình yên. Nhưng không biết nên buồn hay nên vui khi trước Tết Giáp Thìn 2024, Trung tâm đón nhận thêm một “thiên thần” không may mắn. Từ nay các cụ ở Trung tâm sẽ là ông, bà của bé, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở Trung tâm là bố mẹ của bé, những trẻ mồ côi lớn hơn là anh chị của bé. Bé đang nằm yên lành trong vòng tay yêu thương của mẹ. Thấy quanh mình có nhiều người trò chuyện, như cảm nhận được sự quan tâm đặc biệt, bé nhoẻn miệng cười. Một nụ cười chúm chím, hồn nhiên như bao thiên thần làm ấm lại cả mùa Xuân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin