Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, chị Trương Thị Tư, sinh năm 1982, trở thành một trong những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi trong vùng đồng bào dân tộc Sán Dìu ở xóm Cầu Đá, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ). Mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng của gia đình chị cũng trở thành mô hình kinh tế điểm tại địa phương.
Từ chăn nuôi dê nhốt chuồng, mỗi năm gia đình chị Trương Thị Tư, ở xóm Cầu Đá, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) thu lãi từ 200 triệu đồng trở lên. |
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tân Lợi - một trong những xã thuần nông còn nhiều khó khăn của huyện Đồng Hỷ, với phần đông dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chị Trương Thị Tư sớm thấu hiểu những vất vả, nhọc nhằn mưu sinh của bà con miền núi. Ngay như gia đình chị, trước đây, kinh tế hàng năm dựa vào 2 vụ lúa xen canh 1 vụ rau màu, nên chỉ đủ ăn chứ để có “của ăn của để” là rất khó.
Sau nhiều năm tìm tòi, trăn trở nghĩ cách phát triển kinh tế gia đình, năm 2018, qua tìm hiểu sách báo và tham gia một số lớp tập huấn, gia đình chị Tư quyết định đầu tư triển khai mô hình nuôi dê theo hướng chăn nuôi khép kín và sản xuất các sản phẩm từ thịt dê.
Với số vốn ban đầu gần 600 triệu đồng, chị Tư mạnh dạn đầu tư 1 chuồng nuôi dê với số lượng 100 con. Thời gian đầu, do chưa biết cách chăm sóc dê nên gia đình còn luống cuống. Sau quen dần, chị Tư nhận thấy việc chăm sóc đàn dê tương đối đơn giản, lại tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn như cỏ, lá cây rừng...
Chị Tư cho biết: Nuôi dê khá tiện lợi, ít công chăm sóc, nhất là ở thời điểm hiện nay, khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, mô hình nuôi dê nhốt chuồng cho thấy hiệu quả vượt trội. Bởi nguồn thức ăn chủ yếu của dê là cây cỏ, cám chỉ là đồ ăn dặm thêm.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm phát triển kinh tế, theo chị Tư, mô hình nuôi dê khá thích hợp tại địa phương, bởi không tốn diện tích, không cần nhiều công làm, phù hợp với những người lớn tuổi. Với giá bán luôn ổn định ở mức 120-140 nghìn đồng/kg, bình quân 1 con dê xuất chuồng, nông dân thu lợi nhuận trên 1 triệu đồng, cao gấp đôi so với nuôi lợn.
Theo kinh nghiệm nuôi dê nhiều năm của chị Tư, để dê sinh trưởng và phát triển tốt, khâu quan trọng nhất là cần lựa chọn con giống chất lượng tốt. Bên cạnh đó, làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, chuồng đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, tránh nắng nóng, gió lùa và đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên cho vật nuôi.
Để có thêm nguồn thức ăn cho dê, gia đình chị trồng 2 mẫu cỏ voi. Vườn cỏ voi rộng, dê ăn không hết, vợ chồng chị bàn bạc và quyết định nuôi thêm dê giống.
Nhờ chủ động tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, nuôi dê qua sách, mạng Internet và mô hình hiệu quả ở các địa phương lân cận, từ 100 con dê ban đầu, gia đình chị Tư đã phát triển tổng đàn lên tới 700-800 con vào thời điểm cao nhất. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi 500-600 triệu đồng. Tuy nhiên, từ năm 2022 trở lại đây, do kinh tế suy thoái, sức tiêu thụ không cao nên gia đình chị nuôi duy trì 200 con.
Thực tế những năm qua, nuôi dê đã trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế ở xã Tân Lợi, nên tổng đàn dê của địa phương ngày càng được mở rộng. Đồng chí Bùi Thị Tĩnh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Tân Lợi, đánh giá: Trong khi người chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do đầu ra bấp bênh và thiếu ổn định, giá bán ở nhiều thời điểm giảm sâu thì dê vẫn giữ giá, đầu ra thuận lợi. Từ mô hình chăn nuôi dê giống và các sản phẩm từ thịt dê của gia đình chị Trương Thị Tư, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số để chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, cũng như tiếp tục tăng đàn, xây dựng các hợp tác xã chăn nuôi dê, chú trọng sơ chế thịt dê để phục vụ người tiêu dùng, cũng như nâng giá trị sản phẩm...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin