Nghị lực của người mẹ có con tự kỷ

Thu Hà 11:47, 26/05/2023

Chỉ nghĩ là con nghịch ngợm, hiếu động, chậm nói, chị Trịnh Thị Hồng Yến, phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên), đã rất hụt hẫng, suy sụp khi phát hiện con bị tự kỷ. Vô cùng thương con và lo cho tương lai của con, chị đã nỗ lực từng ngày cùng con luyện tập, vượt qua bệnh tật để hướng đến những điều tốt đẹp.

Với sự đồng hành của mẹ, đến nay cháu P.L, mắc bệnh tự kỷ, đã biết làm một số việc nhà và tự chăm sóc bản thân.
Với sự đồng hành của mẹ, đến nay cháu P.L, mắc bệnh tự kỷ, đã biết làm một số việc nhà và tự chăm sóc bản thân.

Với nụ cười tươi sáng, khuôn mặt xinh xắn, mới nhìn thoáng qua, không ai nghĩ cháu Nguyễn P.L, con của chị Trịnh Thị Hồng Yến mắc bệnh tự kỷ. Chị Yến tâm sự: Năm 2014, khi cháu tròn 2 tuổi, tôi thấy những biểu hiện bất thường từ cháu như: Không biết nói, gọi tên cũng không có phản ứng, đi nhón gót, quay tròn liên tục, chỉ chơi 1 đồ vật suốt cả ngày, miệng lảm nhảm. Lớn hơn một chút, con tôi còn chạy nhảy liên tục, thường xuyên trèo lên cửa sổ và đu, không thể ngồi yên quá 5 phút và gào khóc khi bị ngồi 1 chỗ. Nhất là về đêm, con tôi hay thức giấc, khóc, trằn trọc không ngủ. Có hôm con khóc từ đêm cho đến khi gần sáng, mệt lả rồi thiếp đi… Tôi đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Bác sĩ kết luận con tôi bị rối loạn phổ tự kỷ.

Chị Yến chia sẻ: Cũng giống như rất nhiều cha mẹ khác khi biết con mình mắc hội chứng tự kỷ thì tinh thần của tôi lúc đó rất suy sụp. Thời gian đáy, ai mách gì tôi cũng làm theo. Như năm 2015, tôi cho con đi về Hà Nội bấm huyệt cạo gió của 1 bà lang, kết quả là tiền mất và con phải chịu nhiều đau đớn về thể chất.

Cuối năm 2015, chị Yến đã thay đổi suy nghĩ, chị cho con đi can thiệp tại một bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh. Sau 7 tháng can thiệp, con của chị cũng có tiến bộ nhất định nhưng không rõ rệt. Chị Yến lại đưa con về và đi tìm các trung tâm để học. Lúc đó, cháu có học thêm mỗi ngày 1 giờ với giáo viên chuyên dạy trẻ tự kỷ và đi học mầm non. Nhưng kết quả là cháu vẫn chưa nói được và chưa có tiến bộ rõ rệt.

Đứng trước việc học can thiệp và học mầm non khá dài mà sự tiến bộ của con không nhiều, chị Yến quyết định nghỉ việc tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, bắt đầu hành trình tìm đọc tài liệu và tự hỗ trợ, can thiệp cho con tại nhà. 

Chị kể: Tôi tìm kiếm các tài liệu từ nước ngoài, từ các chuyên gia ở trong nước, tham gia các khóa học can thiệp để hiểu hơn về những rối loạn và khó khăn của con, để tự hỗ trợ, can thiệp cho con tại nhà. Thời gian này, con có những tiến bộ rõ rệt, đã nói được từ đơn, đã biết đi vệ sinh đúng cách, đặc biệt, con đã hiểu những câu đơn giản. Tuy nhiên, đến thời điểm này, con tôi vẫn gào khóc vô cớ và rối loạn giấc ngủ trầm trọng, vẫn không biết tự chủ vệ sinh ban đêm.

Đến năm 2018, tôi liên hệ được với chuyên gia và sang Singapore tham gia khóa học về “Tích hợp phản xạ đa giác quan MNRI”, từ đây chuỗi ngày rối loạn giấc ngủ của cháu P.L đã chấm dứt và tôi cũng có thể ngủ ngon giấc cả đêm, mắt đã bớt thâm quầng vì thiếu ngủ. Khi P.L 7 tuổi, dù cháu chưa nói được nhiều, nhưng đã biết gọi “mẹ ơi”, “bố ơi”... Đặc biệt, P.L biết buồn khi mẹ nói đau, biết vui khi bố mua áo đẹp, đồ chơi mới, biết tự vệ sinh đúng cách.

Đây chính là động lực để chị Hồng Yến chia sẻ đến cộng đồng cha mẹ có con cùng hoàn cảnh tại Thái Nguyên những phương pháp can thiệp mới nhất, cầm tay chỉ việc các mẹ trong việc dạy con tự kỷ. Được sự động viên, tin tưởng của những bà mẹ cùng hoàn cảnh, chị Yến đã từng bước thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Yến Linh, có trụ sở tại Khu đô thị Picenza, Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên). Đến nay, Trung tâm đã thành lập được 3 năm, đang có 8 giáo viên hỗ trợ cho 20 học sinh tự kỷ.

Chị Nguyễn Thị Linh có con gái nhỏ theo học tại Trung tâm được 2 năm. Đến nay, con gái của chị đã có nhiều tiến bộ, đã biết nói rõ, nói những câu đơn giản, thuộc bảng chữ cái, giao tiếp được, biết vệ sinh cá nhân, gần được như những bé phát triển bình thường.

Phụ huynh Nguyễn Thị Linh (người bên phải) đã kiên trì đến Trung tâm, lên lớp học cùng con, học cách giao tiếp, nói chuyện với con gái mắc bệnh tự kỷ.
Phụ huynh Nguyễn Thị Linh (người bên phải) đã kiên trì đến Trung tâm, lên lớp học cùng con, học cách giao tiếp, nói chuyện với con gái mắc bệnh tự kỷ.

Chị Linh cho biết, đưa con đến Trung tâm và nhận được sự chia sẻ của chị Yến cùng các cô giáo ở đây, tôi hiểu ra rằng: Có buồn cũng không giải quyết được vấn đề gì, mà phải đồng hành với con chiến đấu với bệnh tập. Tôi đã kiên trì đến lớp học cùng con, học cách giao tiếp, nói chuyện với con, hướng dẫn, bảo vệ con tránh bị tổn thương... Sau hơn 2 năm đi học, đến nay, bé Linh đã biết giới thiệu tên, biết làm một số việc nhỏ khi sai vặt. Tôi dự định hết Hè này sẽ cho con đi học mầm non ở trường công lập gần nhà.

Niềm vui của gia đình chị Linh cũng chính là niềm vui của chị Yến và các cô giáo ở Trung tâm. Sau tất cả, chị Yến nhắn nhủ: Nếu một ngày, ai đó rơi vào hoàn cảnh như gia đình chị, có con mắc chứng tự kỷ, cũng xin đừng tuyệt vọng, bế tắc. Hãy cùng con tập luyện bằng cả trái tim ấm áp của người mẹ, người cha, cùng con vượt qua khó khăn để hướng đến những điều tốt đẹp.