Sự nguy hiểm của dịch bệnh truyền nhiễm

Tùng Lâm 07:39, 13/05/2023

Là dạng bệnh khá phổ biến, bệnh truyền nhiễm còn được gọi là bệnh lây. Nguyên nhân gây ra bệnh là do vi sinh vật như vi khuẩn, vi rút, nấm hay ký sinh trùng. Đáng nói, bệnh có khả năng lây truyền trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau và có thể trở thành vùng dịch với số người mắc nhiều. Bệnh được phân loại theo đường lây và chia ra 5 nhóm như: Lây theo đường máu, theo đường da và niêm mạc, đường tiêu hóa và đường hô hấp.

Nhân viên Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) điều trị cho người mắc sốt xuất huyết.
Nhân viên Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) điều trị cho người mắc sốt xuất huyết.

Bác sĩ CKII Hoàng Thị Thư, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương, khẳng định: Nếu không được giám sát chặt chẽ, bệnh truyền nhiễm có thể lây lan rộng ra cộng đồng và ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân.

Minh chứng rõ nét nhất cho nhận định của bác sĩ Thư chính là tình hình dịch COVID-19 đã từng tạo thành nhiều làn sóng, “càn quét” khắp nơi, khiến nhiều người dân trên thế giới, trong nước, ở Thái Nguyên tử vong. Hiện nay, dịch đang có xu hướng lan rộng trở lại, có nguy cơ tăng nặng ở nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền như tiểu đường, máu mỡ, cao huyết áp… Chỉ tính riêng từ đầu tháng 4 đến nay, Thái Nguyên đã có gần 1.000 ca mắc COVID-19 được phát hiện.

Ngoài ra, còn có các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, quai bị… Đặc biệt, sốt xuất huyết đã gây ra hàng trăm ca tử vong tại nước ta trong năm 2022. Thường, sốt xuất huyết trải qua nhiều giai đoạn từ nhẹ cho đến nặng, trong đó có không ít bệnh nhân triệu chứng nặng.

Những trường hợp bệnh có tình trạng cảnh báo chuyển bệnh nghiêm trọng nhưng không được xử lý, chữa trị kịp thời, cũng khiến cho biến chứng nặng và tồi tệ hơn gây ra tình trạng tử vong. Theo đó, các bệnh như chân tay miệng, thủy đậu, quai bị… nếu không được xử trí kịp thời cũng gây ra các biến chứng nguy hiểm. 

Ông Đỗ trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Từ đầu năm đến nay, các loại bệnh truyền nhiễm này tại Thái Nguyên vẫn được kiểm soát với số ca mắc lẻ tẻ (hầu hết đều chỉ có dưới 10 trường hợp), không xuất hiện các ổ dịch lớn. Tuy nhiên, các bệnh truyền nhiễm dự báo có thể tăng trong thời gian tới, nhất là dịch sốt xuất huyết, COVID-19… Do vậy, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng y tế trong tỉnh tiếp tục nắm bắt địa bàn, giám sát chặt chẽ tại cơ sở theo Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2023 để chủ động, kịp thời ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Cũng theo ông Vũ, thời gian tới, công tác phối hợp trong tuyên truyền giữa ngành liên quan và các đơn vị y tế tiếp tục được tăng cường. Qua đó giúp người dân nắm được biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm ở người, đặc biệt là bệnh Marburg, sốt xuất huyết, COVID-19, tay chân miệng, bệnh dại…

Ngành Y tế tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới và căn cứ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y để làm tốt công tác tham mưu với tỉnh trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn. Đồng thời tổ chức tập huấn lại cho các đơn vị y tế những quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát, phát hiện, điều tra, xử lý ổ dịch; hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm ở người; xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch trong cộng đồng; kịp thời truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Bên cạnh đó, ngành Y tế chỉ đạo tuyến cơ sở chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; đảm bảo ứng phó kịp thời, hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trên địa bàn. Ngành sẽ phối hợp với các đơn vị thực hiện lấy mẫu đối với những trường hợp nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và điều trị sớm không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Về phía người dân, lực lượng y tế khuyến cao bà con nên chủ động cập nhật thông tin, kiến thức về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Khi có biểu hiện mắc bệnh truyền nhiễm cần chủ động thông tin, khai báo với các cơ quan y tế để được tư vấn, hỗ trợ điều trị kịp thời.

Trong thời điểm dịch bệnh có nguy cơ bùng phát như hiện nay, bà con cần chủ động vệ sinh môi trường sống, làm việc, vệ sinh cá nhân, có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không khạc nhổ bừa bãi; đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuần; tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Ngoài ra, mỗi người dân hãy nâng cao ý thức trong rèn luyện sức khỏe, tập luyện thể thao, ngủ nghỉ, ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất. Đáng nói, bà con không được tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị các bệnh truyền nhiễm mà cần tuân theo chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế...