Xây dựng Thái Nguyên trở thành cực tăng trưởng vùng

PGS - TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam 08:41, 20/05/2023

Thái Nguyên hội tụ nhiều yếu tố và điều kiện phát triển “trời cho”, kết hợp với “địa lợi, nhân hòa”, cộng hưởng lại, tạo thành một tổ hợp tiềm năng, lợi thế. Tuy nhiên, đến nay, tiềm năng, lợi thế chưa chuyển hóa đầy đủ thành động lực phát triển. Trong giai đoạn tới, chuyển hóa tiềm năng thành động lực, xây dựng Thái Nguyên trở thành cực tăng trưởng vùng là nội dung xuyên suốt chiến lược phát triển của tỉnh.

Hệ thống giao thông kết nối với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục được đầu tư hoàn chỉnh.
Hệ thống giao thông kết nối với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục được đầu tư hoàn chỉnh.

Chuyển hóa tiềm năng thành động lực

Về tiềm năng, lợi thế của Thái Nguyên, có thể kể ra ba nhóm chính. Thứ nhất là tài nguyên tự nhiên, bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nông nghiệp và tài nguyên du lịch.

Thứ hai là lợi thế vị thế vùng - tọa độ kết nối không gian và liên kết phát triển. Đây là một lợi thế đặc biệt, khác biệt của Thái Nguyên. Vị trí địa lý của Thái Nguyên trên bản đồ cho phép hình dung vị thế kết nối vùng của Thái Nguyên: Kết nối vùng Tây Bắc với duyên hải Đông Bắc, kết nối vùng Việt Bắc với Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Chỉ là lợi thế tiềm năng, nhưng đây chính là tiền đề để Thái Nguyên trở thành trung tâm hội tụ và lan tỏa phát triển vùng. Trên thực tế đây là “điều kiện cần” để hiện thực hóa lợi thế tiềm năng thành lợi ích phát triển. Ngoài ra, Thái Nguyên còn cần một số “điều kiện đủ” để thực hiện bước chuyển tạo động lực đó.

Thứ ba, lợi thế là trung tâm phát triển của vùng trung du miền núi phía Bắc ở hầu khắp các khía cạnh cơ bản của đời sống xã hội (kinh tế, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ). Thành phố Thái Nguyên từng là trung tâm công nghiệp nặng hàng đầu của miền Bắc, là đô thị trung tâm, thủ phủ của vùng, nơi hội tụ nhiều trường đại học, cao đẳng cấp vùng, tỉnh, cùng các bệnh viện lớn, bao gồm bệnh viện cấp Trung ương.

Xét trên mọi tiêu chí phát triển, cả số lượng lẫn chất lượng, Thái Nguyên hiện đang xếp hàng đầu trong 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Đây là cơ sở nền tảng để Thái Nguyên xác lập vị thế trung tâm vùng, với chức năng là tọa độ “hội tụ nguồn lực và lan tỏa phát triển”.

Ba nhóm tiềm năng, lợi thế trên hợp thành thế và lực phát triển tổng hợp của Thái Nguyên. Tuy nhiên, cho đến nay, thế và lực đó cơ bản vẫn là tiềm năng, chưa chuyển hóa đầy đủ thành động lực phát triển. Những kết quả phát triển Thái Nguyên đạt được, dù to lớn và đáng tự hào, vẫn chưa đến tầm tiềm năng, lợi thế, vẫn giới hạn chủ yếu trong “phạm vi Thái Nguyên” và “vì Thái Nguyên”.

Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ chuyển hóa tiềm năng thành động lực phát triển, biến lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh vẫn là nội dung chủ đạo, xuyên suốt trong chiến lược phát triển của tỉnh Thái Nguyên. Theo logic đó, nỗ lực trở thành cực tăng trưởng vùng, trung tâm liên kết, hội tụ và lan tỏa phát triển vùng sẽ là cốt lõi của khái niệm “văn hóa phát triển” mà Thái Nguyên hướng tới.

Trong giai đoạn hiện tại, căn cứ vào lý thuyết “cực tăng trưởng”, soi chiếu vào các điều kiện tự nhiên và thực tiễn kinh tế của Thái Nguyên trong quan hệ với vùng Thủ đô, có cơ sở để nhận định rằng Thái Nguyên là một trong những địa bàn hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một cực tăng trưởng mạnh của vùng.

Khi trở thành một thành tố của vùng Thủ đô với tư cách là cực tăng trưởng - nghĩa là đã có sự thay đổi đáng kể cả về vai trò, chức năng lẫn các điều kiện thực thi. Với những thay đổi mạnh mẽ về các điều kiện phát triển, Thái Nguyên có thêm cả cơ hội, sức thúc đẩy lẫn áp lực để xác lập và thực hiện thực chất vị thế trung tâm phát triển vùng trung du, miền núi phía Bắc, trên nền tảng hội nhập quốc tế, công nghệ cao, kinh tế số, hệ thống thông minh và đổi mới, sáng tạo.

Du khách trải nghiệm giã bánh dày và các trò chơi dân gian tại Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai)
Du khách trải nghiệm giã bánh dày và các trò chơi dân gian tại Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai). 

Xác lập tầm nhìn mới

Hiện nay, cơ cấu kinh tế của Thái Nguyên vẫn nghiêng về các khâu công nghệ thấp - giá trị gia tăng thấp - tiền lương thấp. Do đó, tỉnh cần sớm tái định hướng cơ cấu này để các ngành công nghiệp đang đóng vai trò nền tảng phát triển của tỉnh không "kìm giữ" Thái Nguyên quá lâu trong hệ sinh thái công nghiệp “đời cũ”, sẽ thiếu sức cạnh tranh quốc tế và khó hội nhập hiệu quả trong tương lai.

Gắn với xu hướng phát triển công nghiệp được chọn là triển vọng của quá trình đô thị hóa, nỗ lực chuyển nhanh sang hướng công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số hay tiếp tục “tận khai” xu hướng công nghiệp hóa truyền thống (ưu tiên sử dụng lao động kỹ năng thấp, khai thác và chế biến tài nguyên thô) sẽ quyết định triển vọng đô thị hóa của Thái Nguyên có thật sự bứt phá và chuyển thành một đô thị hiện đại, thông minh và đáng sống đúng nghĩa hay không.

Không định hướng phát triển cả Thái Nguyên thành một đô thị như vậy, Thái Nguyên sẽ khó tạo được sức hấp dẫn dân cư, lao động, đặc biệt là lực lượng lao động chất lượng cao, trong dài hạn. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ đánh mất vị thế dẫn dắt, thậm chí đối mặt với khả năng “giảm tốc” và tụt lại trong cuộc đua, không chỉ quốc tế mà ngay cả đối với các đô thị khác trong vùng Thủ đô.

Trong những định hướng, Thái Nguyên cần ưu tiên định hướng lợi ích quốc gia và vai trò, sứ mệnh vùng trong chiến lược phát triển, kết hợp hài hòa lợi ích phát triển của cộng đồng địa phương. Cùng với đó là nỗ lực “tận dụng thời cơ lịch sử, tạo đột phá - tiến vượt (về công nghệ, cơ cấu và thể chế), lấy năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế làm tiêu chuẩn, coi chức năng hội tụ nguồn lực và dẫn dắt phát triển là trục dẫn dắt”. Thúc đẩy liên kết vùng thông qua việc xác lập vị thế trung tâm của tỉnh trong việc xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng có giá trị toàn cầu, dựa trên nền tảng công nghệ cao.

Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên).
Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên).

Với những định hướng này, Thái Nguyên cần có chiến lược giảm ưu tiên, tiến tới thu hẹp quy mô thu hút đầu tư, sản xuất dựa trên nền tảng lao động chất lượng thấp và tiền lương thấp. Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược căn cứ vào xu thế thời đại (xu thế toàn cầu hóa và xu thế công nghệ), dựa trên những “lợi thế mặc cả” đang được cải thiện nhanh chóng của Thái Nguyên.

Cùng với đó là định vị lại chức năng, vai trò (đặc thù, khác biệt) của Thái Nguyên trong đội hình phát triển quốc gia, trên cơ sở đó có những đề xuất mang tính đổi mới về thể chế phù hợp. Xu hướng được phân giao quyền lực, nguồn lực, trách nhiệm để tạo thế chủ động sáng tạo nhiều hơn cho Thái Nguyên trong tổ chức điều hành và quản lý quá trình phát triển đang ngày càng trở nên phong phú và phức tạp, cần được chú ý vận dụng và triển khai một cách sát sao... 

Thái Nguyên đang trỗi dậy mạnh mẽ. Những nền tảng cơ bản cho một sự chuyển mình sang một trình độ mới, trong một không gian phát triển mới đang được xác lập. Để vượt qua cấu trúc phát triển đang nặng “căn cốt” cũ (công nghiệp “cổ điển” và tính giới hạn về phạm vi không gian), Thái Nguyên cần và đang mạnh dạn thay đổi nguyên tắc phát triển quan trọng bậc nhất, hệ thống phân bổ và sử dụng nguồn lực, trong đó “hội tụ nguồn lực và lan tỏa phát triển” đóng vai trò chi phối. Biến nguyên tắc đó thành cốt lõi văn hóa của triết lý phát triển trong giai đoạn mới, Thái Nguyên sẽ có cơ sở vững chắc để thành công.