Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành xuất bản Việt Nam đạt gần 4.000 tỷ đồng và là năm đầu tiên đạt mục tiêu 6 bản sách/người/năm. Thông tin đáng chú ý này được công bố tại Hội nghị tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Các đại biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2022. |
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2022, có 38.029 xuất bản phẩm nộp lưu chiểu, tăng 15,42% so với năm 2021, với gần 6 triệu bản sách, tăng 49,5% so với năm 2021. Xuất bản phẩm dạng điện tử tăng nhiều nhất, đạt 3.350 xuất bản phẩm, tăng 45,6% so với năm 2021. Tính đến năm 2022, có 19/57 nhà xuất bản tham gia đăng ký xuất bản và phát hành điện tử. Tất cả chỉ số về đầu sách, bản sách, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước năm 2022 đều tăng. Tổng doanh thu toàn ngành đạt gần 4.000 tỷ đồng (tăng 33,3% so với năm 2021), trong đó, 5 nhà xuất bản có doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng. Số lượng xuất bản phẩm vi phạm về nội dung bị xử lý giảm 16,7% so với năm 2021.
Dù đạt được thành tựu đáng ghi nhận, song ngành xuất bản vẫn bộc lộ một số hạn chế như quy mô, doanh thu và lợi nhuận của các nhà xuất bản tăng chưa tương xứng. Một số nhà xuất bản còn lượng sách tồn kho nhiều hoặc gặp khó khăn trong việc khai thác bản thảo; sách có giá trị và có sức lan tỏa còn ít, nhất là thể loại chính trị, khoa học - công nghệ; vẫn còn xuất hiện xuất bản phẩm có nội dung sai sót, vi phạm, buộc phải sửa chữa hoặc bị các cơ quan chức năng xử lý...
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, nhìn sâu vào sự phát triển của ngành, thấy vẫn còn nhiều yếu tố phát triển chưa bền vững, trong đó có bốn bài toán cần được giải quyết.
Ðầu tiên, về con số thống kê 6 bản sách/người có vẻ cao, nhưng cơ cấu tỷ lệ sách còn thiên về sách giáo khoa, sách tham khảo (khoảng 40%) trong khi ở các nước phát triển con số này chỉ khoảng 30%. Như vậy, cần thúc đẩy hành vi đọc sách để tiếp cận tri thức một cách tự nhiên chứ không chỉ dừng lại ở chương trình học bắt buộc.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm |
Thứ hai, doanh thu và lợi nhuận của các nhà xuất bản còn thấp so với kỳ vọng. Tiếp đến là bài toán về chuyển đổi số. Ngành xuất bản cần tiếp cận thế hệ độc giả mới - thế hệ Gen Z, khi thói quen đọc truyền thống đã thay đổi. Cơ cấu dân số đang thay đổi, nhất là hành vi đọc - xem - nghe trên nền tảng số. Vì thế, các nhà quản lý cũng cần đo đếm được thời gian nghe - đọc của người dân để từ đó xây dựng các biện pháp phù hợp.
Cuối cùng là bài toán nhân lực của ngành xuất bản. Theo dự báo, năm 2023 sẽ chứng kiến một sự chuyển biến lớn về nhân lực, đặt ra thách thức cho sự phát triển ổn định của ngành xuất bản.
Tại hội nghị, nhiều phát biểu, tham luận cũng tập trung nhận định tầm quan trọng của xuất bản điện tử và coi đó là tương lai của ngành sách. Trong năm 2023, mục tiêu đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số không chỉ là bài toán của các nhà xuất bản mà còn là của các cơ quan quản lý. Ðể đạt mục tiêu, cần hoàn thiện nền tảng xuất bản điện tử dùng chung, nền tảng kết nối các nhà xuất bản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động xuất bản.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: Cần có cách tiếp cận mới để kết hợp các hình thức nội dung với nhau, để xuất bản phẩm trở thành một phần trong hệ sinh thái nội dung và phát triển những vòng đời khác nhau. Những gì diễn ra chung quanh chúng ta không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để ngành xuất bản giải các bài toán nêu trên.
Trong năm 2023, mục tiêu đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số không chỉ là bài toán của các nhà xuất bản mà còn là của các cơ quan quản lý. |
Giáo sư, Tiến sĩ Ðinh Xuân Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), nhắc lại nhiều mục tiêu đã được đề ra cách đây gần 20 năm, trong đó, xuất bản điện tử đã được xem là tương lai của ngành xuất bản.
"Trong khi xuất bản điện tử đang chập chững và chưa thực hiện được hết nội hàm của lĩnh vực, cần phải có nhiều nghiên cứu hơn, trong đó tập trung vào ba mục tiêu chính là: Tinh gọn, hiệu quả, hiện đại hóa. Nếu chỉ dừng lại với quy mô, loại sách, tổ chức xuất bản như hiện nay, thì ngành xuất bản Việt Nam sẽ càng lạc hậu hơn", Giáo sư Ðinh Xuân Dũng chia sẻ.
Năm 2023 cũng là một năm quan trọng để hoàn thiện các văn bản mang tính pháp quy, nhất là Luật Xuất bản để tạo ra hành lang pháp lý và nền tảng cơ bản nhằm thúc đẩy xuất bản điện tử phát triển. Thực tế hiện nay chúng ta đã có một số văn bản pháp quy và quy hoạch về chuyển đổi số, tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn cần nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các văn bản này. Bên cạnh đó, các đơn vị xuất bản cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, các thể loại sách chính trị, lịch sử, chủ quyền biển đảo...
Các nhà xuất bản cần đổi mới tư duy, tập trung phát triển các chuyên ngành chuyên sâu, phát huy được sức mạnh của từng đơn vị. Trong tình hình mới, nhiệm vụ, sứ mệnh, trách nhiệm của mỗi người làm xuất bản lại được đặt thêm những trọng trách. Quyền hạn, trách nhiệm của từng ban biên tập, giám đốc nhà xuất bản là phải hòa vào dòng chảy, đặt lợi ích quốc gia dân tộc và nhân dân lên trên hết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin