Qua ngày chống dịch, thêm yêu Tết bình yên

Tùng Lâm 10:51, 22/01/2023

Giờ này một năm trước, Thái Nguyên vẫn đang “căng mình” chống dịch COVID-19. Tết về đúng thời điểm dịch bắt đầu bùng phát, nhiều gia đình có người mắc COVID-19 phải vào bệnh viện điều trị xuyên Tết. Bởi lẽ ấy, không ít hộ dân đã đón một năm mới không trọn vẹn. 

Năm nay, không khí đón Tết đã tưng bừng trở lại với người dân “đất Thép”. Dịch bệnh qua đi, nhịp sống quen thuộc đã trở lại, nhà nhà nô nức sắm Tết và sum vầy bên nhau mừng Xuân mới. Có đi qua những tháng ngày chống dịch đầy vất vả mới hiểu hết ý nghĩa của cuộc sống bình yên.

Người dân vui đón Giao thừa Xuân Quý Mão 2023 tại khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên.

Nhớ về "Tết COVID-19"

Trước thềm Xuân mới, người dân Thái Nguyên ai cũng nhớ về cái Tết thời COVID-19 của một năm trước. Với tất cả mọi người, đó là những ngày không được hưởng trọn niềm vui đón năm mới, bởi ngày Tết nhưng ai cũng phấp phỏng lo âu và mong cho dịch bệnh sớm qua đi. 

Bà Lê Thị Dung, ở phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) nói: Tết năm ngoái, con trai tôi là F0 nên vợ chồng tôi thuộc đối tượng F1, phải thực hiện cách ly tại nhà. Bởi vậy, ngày Tết, cả gia đình chỉ tập trung lo cho sức khỏe chứ không có điều kiện trang hoàng nhà cửa. Khi ấy, chúng tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là dịch bệnh nhanh chóng qua đi.

Tuy trong gia đình không có người nhiễm COVID-19, nhưng nhiều hộ dân ở Thái Nguyên vẫn luôn mang trong mình nỗi lo. Bà Nguyễn Thị Lụa, ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) cho hay: Thời điểm Tết năm ngoái, gia đình tôi không có ai là F0. Dù vậy, để phòng, chống dịch, mọi người đều hạn chế ra ngoài, tiếp xúc với những người xung quanh. Vì thế, việc đón Tết cũng đơn giản hơn mọi năm rất nhiều. Dẫu vậy, mọi người đều cảm thấy yên tâm hơn khi không phải giật mình nghe thông báo có ca nhiễm trong cộng đồng đang ở ngay sát nhà mình.

Dịp Tết âm lịch 2022, cùng với cả nước, người dân Thái Nguyên đã trải qua một cái Tết đáng nhớ. Ông Hà Văn Minh, ở xã Cổ Lũng (Phú Lương) tâm sự: Tận mắt chứng kiến quá nhiều những câu chuyện đau thương vì dịch bệnh, tôi nhận thấy rằng tiền bạc mất đi thì có thể kiếm lại được nhưng người mất rồi là mãi mãi. Bởi lẽ ấy, cả gia đình tôi đều trân trọng khoảng thời gian được đoàn tụ bên nhau, cùng nhau làm những món ăn ngày Tết. Sự bình yên và hạnh phúc tưởng như bình dị ấy nhưng thực sự mới là điều thiêng liêng, quý giá nhất…

Nhớ về cái Tết thời COVID-19, người dân Thái Nguyên ai cũng trào dâng những cảm xúc. Và chắc hẳn ai cũng hy vọng vào một năm mới - năm Quý Mão 2023 - tươi sáng, an yên. 

Niềm vui mùa Xuân mới

Từng phải sống trong những ngày phấp phỏng nỗi lo khi dịch COVID-19 càn quét khắp nơi, người dân Thái Nguyên rất vui và hạnh phúc khi lại được đón Tết trong không khí rộn ràng, tươi vui. 

Nhộn nhịp mua sắm đón Tết.

Những ngày cuối tháng Chạp năm 2022, nhiều gia đình đã bắt đầu dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Trên những con đường, trong các con ngõ nhỏ, từng dòng người hối hả ngược xuôi sắm sửa cành đào, cây quất…, khuôn mặt ai cũng rạng ngời niềm vui. Trong mỗi nếp nhà, hương vị Tết cổ truyền hiện hữu với bánh chưng, dưa hành. Và khi hương mùi già, trầm… ngọt ngào bao trọn căn bếp nhỏ cũng là lúc người dân Thái Nguyên cầu mong cho những khó khăn của năm cũ được gột rửa tinh tươm, mong một năm mới an lành, hạnh phúc đến với mọi nhà. 

Chị Nguyễn Thanh Hương, ở phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Dịch bệnh qua đi, cùng với cả nước, kinh tế của Thái Nguyên đang hồi phục rất tích cực. Tôi tin rằng, năm Quý Mão 2023 sẽ là năm người dân Thái Nguyên bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, có cuộc sống đủ đầy, sung túc hơn.

Hy vọng vào một năm mới tốt đẹp hơn nhưng người dân Thái Nguyên vẫn có ý thức thực hành tiết kiệm trong những ngày Tết đến, Xuân về. Với nhiều gia đình, hương vị của cái Tết cổ truyền là nằm ở trong tâm thức của mỗi người, qua những món ăn giản dị, thắm đượm hồn quê; là phút giây cả nhà được đoàn tụ bên nhau đón Giao thừa…, chứ không phải là dịp để “khoe” cuộc sống giàu sang hay tiêu xài hoang phí. 

Cụ Lục Thị Hòa, ở xã Bình Thuận (Đại Từ) cho biết: Một năm “kinh tế buồn” qua đi, chúng ta càng phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bởi vậy, tôi đã nói với các con rằng một cái Tết tuy giản dị nhưng được sum họp trọn vẹn, có con cháu quây quần đông đủ... mới thật sự có ý nghĩa.

Trong không khí tươi vui của những ngày cận Tết, các cán bộ y tế cũng vợi phần vất vả. Dịp này năm ngoái, nhiều bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện Gang thép, Bệnh viện Phổi Thái Nguyên và Trung tâm Y tế TP. Phổ Yên vẫn phải ở trong khu cách ly chăm sóc cho những người mắc COVID-19. Có những người đi liền một mạch từ trước Tết đến tận Rằm tháng Giêng mới được về nhà. 

Năm nay, “bão dịch” đã đi qua, cuộc sống dần bình thường trở lại, nhiều cán bộ y tế đã lên kế hoạch về ăn Tết với bố mẹ ở quê; nhiều người còn dự định thưởng cho cả gia đình một chuyến “vi vu” sau những ngày trực Tết. Bác sĩ Lê Thu Hà, Bệnh viện Phổi Thái Nguyên bộc bạch: Năm trước, nhiều đồng nghiệp của tôi phải đón Tết cùng F0. Vì vậy, năm nay, mọi người xứng đáng được hưởng những giờ phút nghỉ ngơi bên gia đình, người thân.

Tết yêu thương đang đến với mọi nhà. Được đón Tết trong không khí yên bình, ấm cúng, mọi người, mọi nhà như được sống chậm lại, lắng đọng hơn. Và khi được tận hưởng tròn đầy sự yêu thương, mỗi người vẫn cần nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch để COVID-19 được đẩy lùi mãi mãi.