Hiệu quả từ nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Phạm Ngọc Chuẩn 02:09, 10/02/2023

Từ triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh được nâng cao, số hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh (từ 36.798 hộ cuối năm 2021 xuống còn 26.869 hộ cuối năm 2022), vượt kế hoạch tỉnh đề ra hơn 1%, trong đó nghèo giảm 5.971 hộ; cận nghèo giảm 12.245 hộ.

Nông dân xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) chia sẻ kinh nghiệm trồng rau an toàn.
Nông dân xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) chia sẻ kinh nghiệm trồng rau an toàn.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ như việc tiếp tục duy trì các mô hình hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế bền vững; tăng cường đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Thái Nguyên đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng trong công tác giảm nghèo và an sinh xã hội.

Đặc biệt, trong triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, tỉnh sớm có phương án phân bổ kế hoạch vốn hỗ trợ cho các địa phương kịp thời. Dự kiến, tổng vốn trong toàn giai đoạn là hơn 13,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 12 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương đối ứng. Theo đó, ngân sách phân bổ năm 2022 là hơn 32,4 tỷ đồng và gần 80 tỷ đồng cho năm 2023.

Để phát huy cao nhất hiệu quả đồng vốn ngân sách, Chương trình dành ưu tiên cho các xã nghèo để thực hiện các dự án theo đề xuất, kiến nghị của cộng đồng, tập trung nhiều cho xây dựng những công trình hạ tầng như: Giao thông, nước sạch, thủy lợi… và đào tạo, hỗ trợ vốn vay, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của người dân.

Với phương châm: Dành vốn về chỗ khó; ưu tiên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được tiếp cận với các nguồn vốn, nên Chương trình đã tạo hiệu ứng tích cực, phát huy được sự đồng thuận trong nhân dân về xây dựng hạ tầng cơ sở; tạo kết nối trong phát triển kinh tế xã hội giữa các vùng nông thôn, miền núi và thành thị.

Hơn nữa, chính sách cho vay vốn có hạn mức tối đa từ 50 triệu đồng trước đây lên 100 triệu đồng hiện nay, thời gian vay tối đa là 10 năm, đã trao thêm cho hộ nghèo, cận nghèo cơ hội vươn lên trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các xóm bản có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã được sử dụng nước sạch - Ảnh chụp tại công trình nước sạch xóm Khe Mong, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ).
Từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các xóm bản có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã được sử dụng nước sạch - Ảnh chụp tại công trình nước sạch xóm Khe Mong, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ).

Cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở và hỗ trợ tiền vốn cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, Chương trình còn hỗ trợ cho người dân về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên thông qua xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Điển hình như mô hình sản xuất cống bê tông và kinh doanh vật liệu xây dựng của gia đình ông Phan Văn Huấn, thôn Bãi Hội, xã Bảo Cường (Định Hóa), cho thu nhập hơn 800 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi gà trang trại và kinh doanh thức ăn chăn nuôi của gia đình ông Vũ Văn Quang, xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm; mô hình chế biến lâm sản và kinh doanh vật liệu xây dựng của gia đình ông Vũ Đức Hoàn, xóm Thắng Lợi, xã Tràng Xá (Võ Nhai), cho thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm đã trừ chi phí…

Chia sẻ về công tác giảm nghèo bền vững, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Bình quân hằng năm toàn tỉnh có gần 96.000 hộ đăng kí tham gia phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Bình xét có gần 70.000 hộ đạt tiêu chí/năm. Để đạt được kết quả này là có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành trong triển khai, thực hiện Chương trình của tỉnh. Các cấp, ngành luôn bám sát thực tiễn để xây dựng kế hoạch, đồng thời triển khai thực hiện hỗ trợ tiền vốn, khoa học kỹ thuật, vật tư và các loại máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh phù hợp với từng khu vực dân cư.

Trong năm 2022 các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho gần 25.000 lao động, đạt gần 164% kế hoạch năm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp cho gần 39.000 người, đạt gần 103% kế hoạch/năm, trong đó có gần 2.500 người là lao động nông thôn.

Đặc biệt, ngay trong tháng 1-2023, Tuần cao điểm Tết vì người nghèo, toàn tỉnh đã huy động được 25,4 tỷ đồng cho Quỹ Giảm nghèo; đồng thời huy động ủng hộ, đóng góp từ nguồn xã hội hóa được gần 39 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gặp khó khăn đột xuất ổn định cuộc sống.

Bằng tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, sự đồng thuận vào cuộc của các cấp, ngành chức năng và tinh thần nỗ lực vươn lên của người dân, diện mạo tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Cùng thời gian, những mô hình giảm nghèo bền vững ngày càng xuất hiện nhiều trên các vùng đất khó của tỉnh.