Vui - buồn chuyện tác quyền

P.V 10:52, 09/04/2023

Thời đại công nghệ thông tin phát triển và sự bùng nổ của các trang báo, trang tin điện tử, mạng xã hội khiến việc bản quyền tác phẩm báo chí bị xâm phạm càng trở nên phổ biến và ngang nhiên. Điều này khiến không ít tòa báo, phóng viên bức xúc.

Phóng viên Báo Thái Nguyên (ngồi giữa) gặp gỡ các nạn nhân sau “chuyến du lịch 0 đồng”, những người bị mua phải thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ với giá cao.
Phóng viên Báo Thái Nguyên (ngồi giữa) gặp gỡ các nạn nhân sau “chuyến du lịch 0 đồng”, những người bị mua phải thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc với giá cao.

Phóng viên lặn lội đến một xã vùng sâu, xa, gặp gỡ, trò chuyện với đại diện chính quyền địa phương, người dân, tổng hợp tư liệu rồi tư duy, lựa chọn góc máy chụp lại những hình ảnh mà mình ưng ý nhất. Đêm về, nhà báo lại phải tập trung "sắp xếp" các con chữ, hoàn thiện tác phẩm báo chí. Bao công sức, tâm huyết mới có thể cho ra đời một tác phẩm, vậy nhưng khi bài báo của mình vừa mới đăng lên báo điện tử của tòa soạn thì chỉ một thời gian ngắn sau lập tức “vinh dự” được đăng trên một vài trang báo điện tử khác. Đáng nói là họ không dẫn nguồn mà ngang nhiên thay tít bài, tên tác giả, coi đó là sản phẩm của mình.

Đó cũng là một trong những câu chuyện của tôi khi viết về công tác đảm bảo anh ninh trật tự ở một xã. Nội dung bài báo ấy được đăng lại trên một trang báo điện tử có trụ sở tại Hà Nội, và tất nhiên tít bài và tên tác giả đã được thay bằng tên 1 người khác. Bức xúc trước hành vi trắng trợn ấy, tôi đã truy số và gọi điện trực tiếp vào đường dây nóng của báo ấy hỏi. Người trực máy sau khi nghe ý kiến của tôi, chỉ xin lỗi qua loa rồi nói sẽ báo cáo lãnh đạo, kiểm tra, xử lý. Chưa đầy 15 phút sau, tôi truy cập lại vào trang web ấy thì bài báo của tôi đã “bay màu”. Với tôi, việc này diễn ra không chỉ 1 lần, nhiều bài báo của tôi đã được “xào” lại nội dung, thay tên và đăng tải trên một số trang báo điện tử. 

Phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn người dân xã Thần Sa (Võ Nhai).
Phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn người dân xã Thần Sa (Võ Nhai).

Về vấn đề này, một số đồng nghiệp cùng cơ quan tôi cũng bức xúc. Phóng viên A. bày tỏ: Là phóng viên nội chính, mình phải mất một thời gian dài tạo uy tín với cơ sở, nhất là đối với cơ quan công an, mới kịp thời có được những thông tin “hót”, chụp được những bức ảnh đắt về an ninh trật tự, những vụ việc “nóng”. Vậy mà, khi tin, bài của mình vừa được đăng tải trên báo điện tử thì lập tức nhiều trang báo, trang mạng xã hội “cóp” về, “xào” lại thành tác phẩm của họ. Có báo, trang mạng xã hội còn thêm thắt thông tin sai sự thật để gây sự chú ý của người đọc… Thậm chí, một số người biết đó là tin của mình, có số điện thoại nhưng cũng chẳng hỏi một câu (?!). Là đồng nghiệp, mình không khó khăn gì việc chia sẻ thông tin nhưng cứ mỗi lần tin, bài của mình bị đánh cắp lại thấy không vui, bởi họ không phải đầu tư công sức mà vẫn ngang nhiên hưởng lợi.   

Tôi cũng như nhiều phóng viên khác trong Tòa soạn luôn nghĩ rằng, việc bài báo của mình được đăng tải trên nhiều trang báo, trang mạng xã hội sẽ càng đến đông đảo bạn đọc hơn. Hơn nữa, là phóng viên cơ quan báo Đảng của tỉnh thì việc bài của mình đăng tải trên nhiều trang báo khác hay mạng xã hội càng phục vụ tốt hơn cho nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tuy nhiên, việc đăng tải ấy cần trích dẫn nguồn, tên tác giả rõ ràng theo quy định, việc đánh cắp thông tin rồi biến thành của mình là vi phạm bản quyền, đạo đức nghề nghiệp. Vấn đề này đã được nhiều tòa báo phản ánh, coi là vấn đề cấp bách và cần được chấn chỉnh với một chế tài xử lý đủ mạnh.