Vốn tín dụng hỗ trợ người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng

Xuân Anh 09:22, 29/02/2024

Từ ngày 10/10/2023, người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo Quyết định số 22/2023QĐ-TTg (Quyết định 22) của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện quyết định này, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 47 khách hàng được vay vốn, với số tiền 4,12 tỷ đồng.

Được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù, anh T.D.L (bên phải), ở phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên), đã đầu tư mua máy cày đi làm thuê, quyết tâm làm lại cuộc đời. Ảnh: Kim Oanh
Được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù, anh T.D.L (bên phải), ở phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên), đã đầu tư mua máy cày đi làm thuê, quyết tâm làm lại cuộc đời. Ảnh: Kim Oanh

Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù quy định cụ thể 2 nhóm đối tượng được vay vốn gồm cá nhân là người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Theo đó, người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người đối với vay vốn để đào tạo nghề và tối đa 100 triệu đồng/người đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

Với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có nhu cầu và có phương án vay vốn được UBND cấp xã xác nhận, có thể vay lên đến 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Quyết định cũng nêu rõ người chấp hành xong án phạt tù; cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại NHCSXH đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật thì mới đủ điều kiện để vay vốn.

Ngay sau khi Quyết định 22 có hiệu lực, để kịp thời triển khai chương trình, NHCSXH tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các nội dung quy định; phối hợp với Công an tỉnh tham mưu ban hành kế hoạch của UBND tỉnh, xây dựng kế hoạch của NHCSXH tỉnh để triển khai Quyết định; xây dựng kế hoạch tín dụng năm 2023 và giai đoạn 2024-2026.

Cùng với đó, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo phòng giao dịch cấp huyện phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện rà soát các đối tượng có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện để tiến hành giải ngân. Triển khai nội dung của Quyết định tại cuộc họp giao ban đến các hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn và người dân đến giao dịch; in tờ rơi tuyên truyền về chương trình.

Đặc biệt, cuối năm 2023, NHCSXH tỉnh phối hợp với Trại giam Phú Sơn 4 tổ chức tuyên truyền về chương trình này đối với những người đang chấp hành án phạt tù và sắp được tha tù. Qua đó, nhiều người chấp hành xong án phạt tù đã kịp thời được tiếp cận với nguồn vốn chính sách này.

Anh Nguyễn Bá Trực, ở xóm Na Ri, xã Tân Khánh (Phú Bình), một trong những khách hàng được vay vốn cuối năm 2023, cho biết: Thông qua tổ trưởng tổ vay vốn ở địa phương, tôi biết đến nguồn vốn này. Với 100 triệu đồng đã vay, tôi đầu tư chăn nuôi bò. Nguồn vốn đến đúng lúc gia đình đang khó khăn nên tôi rất phấn khởi.

Có thể khẳng định, chương trình tín dụng đối với người mãn hạn tù được NHCSXH tỉnh thực hiện như vòng tay ấm áp dang rộng để đón những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục thực hiện chương trình, NHCSXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch nguồn vốn 6 tỷ đồng để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của đối tượng này trong năm 2024.



  • Tìm hiểu Smoovy cho phụ nữ