Vùng đất Vô Tranh vốn là một trong những “vựa” chè nổi tiếng của huyện Phú Lương. Cây chè đã gắn bó với biết bao thế hệ người dân nơi đây. Hương chè như thấm vào máu thịt, suy nghĩ của bao người, để rồi họ mong muốn mang cái vị “đắng, chát, ngọt hậu” của quê hương vươn xa đến nhiều miền quê hơn nữa. Anh Vũ Thành Thơm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè sạch Đạt Phát (xóm Liên Hồng 2, xã Vô Tranh), là một trong những người mang trong mình khát khao đó.
Anh Vũ Thành Thơm kiểm tra chất lượng búp chè trồng theo hướng hữu cơ. |
Mang cả gia tài “đổ” vào chè
Từ nhỏ, anh Thơm đã gắn bó với cây chè. Những đồi chè xanh ngút ngát không chỉ là áo cơm của cả gia đình mà còn là niềm say mê, thú vui lao động của mấy anh em sau giờ học. Nhờ cả vào đồi chè, anh Thơm có điều kiện học hành, có nghề nghiệp ổn định.
Bao năm theo nghề kinh doanh bất động sản, anh Thơm từng mang sản phẩm chè của nhà đi biếu, tặng, mời nhiều khách hàng thưởng thức. Ai cũng thích, có người trở thành khách “ruột” đến bây giờ. Những lúc như vậy, anh lại trăn trở: Chè quê hương ngon vậy, sao vẫn rẻ? Nhắc đến chè Thái Nguyên người ta nhớ đến Tân Cương, đến La Bằng, Trại Cài, vậy chè Vô Tranh ở đâu?
Những suy nghĩ ấy cứ quanh quẩn trong đầu anh suốt một thời gian dài. Làm sao để nâng cao giá trị cây chè Vô Tranh? trở thành câu hỏi thôi thúc anh Thơm đưa ra quyết định bị nhiều người đánh giá là “dại” – bỏ nghề để về quê làm chè.
Anh Thơm bộc bạch: Thú thực tôi cũng thấy mình liều quá. Bởi ngoài những kiến thức sơ đẳng học được ngày bé, hiểu biết của tôi về thị trường, rồi xu hướng phát triển của sản phẩm chè không nhiều. Nhưng tôi suy nghĩ “Người đi ra từ đất chè, không thể thất bại bởi chính cây chè được”.
Nghĩ là làm, năm 2019, anh Thơm quyết định quay về quê hương với quyết tâm nâng cao giá trị cây chè Vô Tranh. Với tư duy của một người làm nghề kinh doanh, anh Thơm không định hướng phát triển quy mô kinh tế gia đình mà hướng đến sự hợp tác với người dân địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm chè.
Anh cũng nghĩ: Muốn làm chè “tử tế” thì phải từ A đến Z. Nghĩa là từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, đóng gói, bảo quản rồi quảng bá sản phẩm, tất cả đều phải chuyên nghiệp.
Rồi từ số vốn tích góp được sau bao năm kinh doanh, anh Thơm “rút” dần để tìm kiếm vùng nguyên liệu chè VietGAP, bao tiêu đầu ra cho bà con; xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại để tự động hóa 70% khâu chế biến; thuê người thiết kế logo, bộ nhận diện thương hiệu, bao bì sản phẩm… Năm 2021, anh còn “đổ” hơn 300 triệu đồng để xây dựng nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm chè.
Khi được hỏi về tổng số tiền đã đầu tư, anh Thơm cười nhẹ: Chắc phải “ngốn” đến tiền tỷ rồi đấy! Nhưng đây đều là những thứ cần thiết nếu muốn làm chè chuyên nghiệp.
Các khâu chế biến chè tại HTX chè sạch Đạt Phát được tự động hóa đến 70%. |
“Chung thuyền” với nông dân
Vạn sự khởi đầu nan. Khi tiếp xúc sâu hơn với những người làm chè ở địa phương, anh Thơm nhận ra bà con chủ yếu sản xuất chè theo hướng truyền thống, với quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên sản lượng và giá trị từ cây chè mang lại không cao.
Do vậy, anh đã đứng ra thành lập HTX sản xuất chè VietGAP để nâng cao sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm chè. HTX chè sạch Đạt Phát chính thức được thành lập vào tháng 8/2020 với chỉ một ngành nghề kinh doanh chính là "sản xuất chè".
Anh Thơm chia sẻ: Cách sản xuất mạnh ai nấy làm khiến sản phẩm chè của các hộ không có thương hiệu, không được nhiều người biết đến, giá bán lại rẻ trong khi tiêu thụ vẫn khó. Do đó, tôi nghĩ thành lập HTX sẽ giúp gia đình cũng như các thành viên phát triển kinh tế tốt hơn từ cây chè.
Đến nay, HTX chè sạch Đạt Phát đã có 7 thành viên chính thức và 30 hộ liên kết, với vùng nguyên liệu chè VietGAP rộng 15ha. Bình quân mỗi năm, sản lượng chè búp tươi của HTX đạt 175 tấn, tương đương khoảng 35 tấn chè búp khô, với các sản phẩm đa dạng từ những giống chè lai, chè thơm như: Thúy Ngọc, Long Vân, Phúc Thọ, TRI 777, Kim Tuyên…
Ông Vũ Văn Khâm, Tổ trưởng Tổ VietGAP xóm Liên Hồng 2, xã Vô Tranh – đơn vị liên kết với HTX, cho hay: Tổ hợp tác bắt đầu sản xuất chè VietGAP từ năm 2017. Trong nhiều năm, bà con chủ yếu vẫn bán tại chợ hoặc bán cho tư thương nên giá cả không có nhiều thay đổi, việc tiêu thụ cũng không quá thuận lợi. Từ khi liên kết với HTX, đầu ra đã ổn định hơn. Giá bán cao hơn khoảng 20-30% so với ngoài thị trường nên bà con phấn khởi hơn, yên tâm gắn bó với phương pháp sản xuất theo quy trình VietGAP.
Còn chị Lê Thị Phương, xóm Liên Hồng 2, nói: Khi liên lết với HTX, tôi được đi học nâng cao kiến thức về sản xuất, chế biến nên giá trị sản phẩm chè của gia đình cũng cao hơn.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Thơm phấn khởi: Giờ đây, sản phẩm chè của HTX đã được xuất bán đi nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương… Nhiều người còn “xách tay” chè Đạt Phát ra nước ngoài để tặng người thân, khách hàng. Đây là thành công bước đầu của chúng tôi. Ngoài ra, HTX còn đang sản xuất thí điểm 5ha chè theo hướng hữu cơ.
Chị Nguyễn Thị Hà, thành viên HTX chè sạch Đạt Phát, nói: Khi chuyển sang làm chè hữu cơ, chúng tôi rất lo lắng liệu chất lượng chè có tốt hơn không, sâu bệnh có giảm không? Và đặc biệt là năng suất chè có bị ảnh hưởng nhiều không? Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, chất lượng sản phẩm chè thực sự được nâng lên, trong khi năng suất vẫn được giữ ổn định. Chúng tôi đã hoàn toàn yên tâm tiếp tục đầu tư sản xuất theo hướng này.
Nói về định hướng phát triển của HTX, anh Thơm quả quyết: Vẫn là hướng ban đầu thôi. Đó là “Làm sao để nâng cao giá trị cây chè Vô Tranh?”. HTX cũng đang hoàn thiện hồ sơ để đăng ký sản phẩm OCOP. Và trong tương lai gần, chúng tôi vẫn kiên trì con đường sản xuất chè sạch để tạo nên một thương hiệu chè giá trị trong tương lai không xa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin