Cựu Chiến binh, doanh nhân Nguyễn Ngọc Tăng:
"Đời chúng tôi như một khúc quân hành"

Minh Ngọc (TP. Thái Nguyên) 16:46, 26/12/2022

Những ngày cuối năm, tôi và cựu chiến binh (CCB), doanh nhân Nguyễn Ngọc Tăng có cuộc trà dư, tửu hậu tại tư gia của bác (phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên).

Bác Nguyễn Ngọc Tăng xem lại những tấm bằng khen.

Lớp CCB chống Pháp, năm nay ngoài chín mươi như bác Tăng bây giờ còn ít người lắm. Được trò chuyện cùng thế hệ các bác khác nào đọc những cuốn sách "lịch sử sống", trong cái riêng có cái chung, trong cái chung lại mang một phần lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước…

Bác Tăng kể: Là người con của Thái Nguyên, tôi vinh dự là lính của Đại đoàn Quân tiên phong (Đại đoàn 308 - Sư đoàn 308 ngày nay), cấp sư đoàn thành lập ngày 28/8/1949 tại Đồn Đu, huyện Phú Lương. Khi đó, tôi thuộc biên chế của Trung đoàn 88 Tu Vũ, thành lập ngày 1/7/1949 tại Tân Cương (TP. Thái Nguyên). Suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rồi giúp nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng, Trung đoàn Tu Vũ đã ba lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong ký ức của bác Tăng, vì là đơn vị chủ lực, "quả đấm thép" của quân đội nên Đại đoàn 308 tham gia hầu hết các trận đánh lớn, quyết định cục diện chiến trường, như các chiến dịch: Biên giới năm 1950; Tây Bắc năm 1952-1953; Điện Biện Phủ năm 1954… Sau mỗi chiến dịch, đơn vị lại trở về Thái Nguyên để củng cố, học tập và trang bị kỹ thuật. Xã Phúc Trìu, xã Tân Cương (Đồng Hỷ); các xã Phú Xuyên, Bản Ngoại, Mỹ Yên (Đại Từ)... là những nơi tình quân dân đã mang lại cho thế hệ các bác nhiều kỷ niệm...

Đó là buổi tối thanh bình của chiến khu những năm 1952-1953, bộ đội ra phố Phúc Trìu thưởng thức quà quê, lạc luộc, sắn nướng và cả những ly cà phê thơm ngát, do đồng bào Hà Nội tản cư lên Thái Nguyên mở bán. Bác Tăng nói hào sảng: Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy bồi hồi. Giữa rừng có phố sầm uất, đêm về chói sáng ánh đèn măng xông, những quán nhỏ, các cô hàng xén đon đả mời chào các anh bộ đội... Sức sống mãnh liệt của kháng chiến gian khổ mà hào sảng là thế.

Hay ký ức về thời điểm ngay sau ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị hành quân về lại ATK, mấy chục ngày từ Mường Thanh - Hát Lót - Mường Tấc - Cổ Tiết - Thu Cúc - Đoan Hùng - Đèo Khế - cây Đa Đôi… Rồi những ngày tập huấn cải cách ruộng đất, tập huấn tiếp quản Thủ đô… Hối hả, tất bật nhưng hân hoan trong niềm vui chung của dân tộc…

Sau này, bác Tăng xuất ngũ và về làm việc trong các cơ quan dân chính. Phẩm chất sĩ quan quân đội, người lính Cụ Hồ lại được phát huy trong môi trường và nhiệm vụ mới. Tổ chức CCB thành lập, bác Tăng hăng hái tham gia xây dựng Hội CCB. Và cho đến hôm nay, bác vẫn là cán bộ chủ chốt của Ban liên lạc Đại đoàn 308.

Trong thời bình, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ một lần nữa được khơi dậy mãnh liệt trong trái tim người lính 308. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, Đảng chủ trương đổi mới nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng bao nếp nhà. Khi đó, bác Tăng đang giữ chức Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh, công việc ổn định và cũng có phần thảnh thơi chút đỉnh. Tuy nhiên, bác Tăng lại nghĩ khác.

Bác trao đổi với vợ: Tôi thấy đời mình như một khúc quân hành. Tôi cứ ám ảnh bởi ca từ "mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính..." mà muốn làm một việc gì đó. Hiểu ý chồng, vợ bác đồng thuận. Ngay sau đó, bác Tăng nhường lại công việc ở Uỷ ban MTTQ cho thế hệ sau, trở về làm kinh tế, bắt đầu một mặt trận mới.

Bác Tăng bắt đầu từ mở cơ sở thu gom sắt thép phế liệu, đến tìm hiểu công nghiệp luyện thép, rồi học kinh doanh… gian nan như người lính mà vui cũng như lính trận được ở tuyến đầu. Thấm thoát đã quá nửa đời người, hai vợ chồng bác nghỉ công việc kinh doanh và bắt đầu phút thảnh thơi tuổi già.

Bác Nguyễn Ngọc Tăng tâm sự: Bây giờ con cháu trong gia đình đã có 6 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, có phần thành đạt. Các chủ doanh nghiệp do tôi đào tạo đều nêu cao nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, trách nhiệm xã hội. Con cái thành đạt, các cháu thảo hiền học hành tấn tới, dòng họ Nguyễn Ngọc nền nếp, gia phong. Đó là thành quả lớn nhất của cả cuộc đời tôi.

Khúc quân hành trong đời lính của bác Nguyễn Ngọc Tăng được cất cao cả trong bảo vệ và xây dựng đất nước...