Cách mạng Việt Nam với Tuyên ngôn thế giới về quyền con người

09:07, 09/12/2008

Hiếm có một quốc gia nào, ngay sau khi giành được chính quyền đã lập tức bầu cử Quốc hội, xây dựng và ban hành Hiến pháp, trong đó các quyền và tự do cơ bản của công dân - bộ phận quan trọng nhất của quyền con người đã được trân trọng và ghi nhận.

Cách đây vừa tròn 60 năm, ngày 10/12/1948, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người. Để ghi nhớ ý nghĩa, tầm quan trọng lớn lao của văn kiện lịch sử này, Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày ra đời của bản Tuyên ngôn này làm Ngày nhân quyền thế giới.

 

Trong thế kỷ XX, sự ra đời của Liên Hợp Quốc, năm 1945 đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ quốc tế. Mặc dù các quốc gia, dân tộc vẫn còn có sự khác biệt và mâu thuẫn về hệ tư tưởng, chính trị, kinh tế… song từ nay các quốc gia dân tộc đã có thể giải quyết các bất đồng và hợp tác với nhau trong các quan hệ song phương, đa phương và toàn cầu dựa trên nguyên tắc: Bình đẳng, tôn trọng chủ quyền quốc gia và giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Các nguyên tắc cơ bản này được trân trọng ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc. Cũng trong văn kiện lịch sử này, quyền con người được xem là một mục tiêu, một trụ cột của Hiến chương và hoạt động của Liên Hợp Quốc.

 

Không phủ nhận rằng, ngày nay trên thế giới vẫn đang tồn tại những lực lượng chính trị cường quyền lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia – dân tộc. Song không phải vì vậy mà những tư tưởng cao cả của bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người mất đi giá trị của mình.

 

Tuy không phải là một văn kiện có tính ràng buộc về pháp lý như các điều ước, song giá trị về chính trị, đạo lý và ý nghĩa pháp lý của văn kiện này cao hơn bất cứ một văn kiện nhân quyền nào khác. Dựa trên Tuyên ngôn, Liên Hợp Quốc đã xây dựng hệ thống công ước quốc tế về quyền con người và tạo lập các cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc.

 

Tuyên ngôn cùng với các công ước và các cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã tạo thành một cơ chế quốc tế bảo vệ quyền con người. Quyền con người từ đây không chỉ là mối quan tâm của mỗi quốc gia mà còn trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

 

Cuộc Cách mạng tháng Tám, năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Đây là lần đầu tiên các quyền công dân và quyền con người được xác lập trên đất nước ta.

 

Hiếm có một quốc gia nào, ngay sau khi giành được chính quyền đã lập tức bầu cử Quốc hội, xây dựng và ban hành Hiến pháp, trong đó các quyền và tự do cơ bản của công dân - bộ phận quan trọng nhất của quyền con người đã được trân trọng và ghi nhận. Đồng thời tính mạng tài sản của kiều dân nước ngoài cũng được bảo vệ, “những người ngoại quốc đấu tranh cho dân chủ và tự do mà phải trốn tránh được phép ngụ cư trên đất Việt Nam”. Có thể nói những quy định của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã chứa đựng những tư tưởng pháp quyền tiên tiến của nhân loại.

 

Trong hai cuộc kháng chiến đầy hy sinh và gian khổ kéo dài 30 năm, lẽ đương nhiên nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng là đánh bại quân xâm lược, bảo vệ độc lập, đồng thời là bảo vệ quyền sống, nhân phẩm, danh dự của cả dân tộc. Tuy vậy, không lúc nào Đảng và Nhà nước ta không quan tâm đến xây dựng nhà nước, chính quyền của nhân dân và chăm lo cải thiện đời sống của người lao động.

 

Đổi mới là một thời kỳ đặc biệt của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Đó là thời kỳ Đảng ta sửa chữa sai lầm, nhận thức lại CNXH và con đường đi lên CNXH. Trong đó có vấn đề con người và quyền con người.

 

Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Những quy định của pháp luật Việt Nam đã bao quát đầy đủ các quyền Dân chủ, Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và tương tích với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

 

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực quyền con người là quang minh, chính đại, phù hợp với đặc thù về lịch sử, văn hóa của dân tộc và với quan niệm chung của cộng đồng quốc tế, đó là: Quyền con người gắn với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia; Quyền tự do cá nhân đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm công dân; Quyền và tự do của mỗi người đi đôi với kỷ cương, phép nước; Bảo đảm quyền con người thuộc trách nhiệm của Nhà nước, của hệ thống chính trị và của tất cả mọi người; Các dân tộc, các tôn giáo, người có đạo và người không có đạo, đoàn kết, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ.

 

Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam kiên quyết bác bỏ mọi hình thức lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc của mình, Việt Nam không chấp nhận sự áp đặt các quan điểm dân chủ, nhân quyền từ bên ngoài cho Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng đối thoại trên tinh thần tôn trọng chủ quyền quốc gia, xây dựng và hợp tác trong việc giải quyết những bất đồng trên lĩnh vực nhân quyền.