5 năm để kiều bào đăng ký giữ lại quốc tịch VN

08:42, 04/12/2008

 - Người Việt định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam sẽ được Nhà nước công nhận còn quốc tịch Việt Nam. Quy định này được ghi rõ trong Luật Quốc tịch sửa đổi, được Văn phòng Chủ tịch nước công bố sáng (4/12).

Luật tiếp tục khẳng định nguyên tắc một quốc tịch, nhưng quy định mềm dẻo: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.

 

Những ngoại lệ là: Trường hợp được Chủ tịch nước cho phép khi xin nhập quốc tịch VN, trường hợp quốc tịch của trẻ em là con nuôi hoặc người Việt định cư ở nước ngoài đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn mong muốn giữ quốc tịch VN.

 

Đáng chú ý là việc Nhà nước công nhận người Việt định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn được giữ quốc tịch Việt Nam. Trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 1/7/2009 -  thời điểm Luật có hiệu lực - người chưa mất Quốc tịch Việt Nam phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch. Nếu không đăng ký, coi như mất quốc tịch Việt Nam.

 

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay: "Thời hạn 5 năm này là để giải quyết những tồn đọng do lịch sử để lại". Hiện trong số hơn 3 triệu người Việt đang định cư ở nước ngoài, nhiều người vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam.

 

Theo Bộ trưởng Tư pháp, từ năm 1998 đến nay, đã có hơn 2.300 kiều bào xin đăng ký giữ quốc tịch.

 

Cũng theo Luật sửa đổi, công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở VN có thể được nhập quốc tịch nếu có đầy đủ các điều kiện: Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập; đã thường trú ở VN từ 5 năm trở lên; có năng lực hành vi dân sự theo quy định pháp luật và tôn trọng truyền thống, tập quán VN.

 

Người nhập quốc tịch VN sẽ phải thôi quốc tịch nước ngoài trừ những trường hợp đặc biệt được Chủ tịch nước cho phép.

 

Cư trú trên 20 năm sẽ được nhập quốc tịch Việt Nam

 

Để hạn chế tình trạng không quốc tịch, Luật quy định Nhà nước tạo điều kiện cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quốc tịch và những người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam.

 

Việc kết hôn, ly hôn và huỷ việc kết hôn trái pháp luật giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài không làm thay đổi quốc tịch Việt Nam của đương sự và con chưa thành niên của họ. Luật đồng thời quy định việc vợ hoặc chồng nhập, trở lại hoặc mất quốc tịch Việt Nam không làm thay đổi quốc tịch của người kia.

 

Ngoài ra, Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi dành nhiều điều, khoản quy định về quốc tịch của trẻ em như trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam.

 

 Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch, hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thoả thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con.

 

Ngoài ra, để giải quyết tình trạng những người không quốc tịch đã cư trú lâu dài ở Việt Nam, Luật quy định kể từ ngày 1/7/2009, người nào không quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân, nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo trình tự, thủ tục và hồ sơ do Chính phủ quy định.

 

Cũng trong sáng nay, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.