Tại Đại hội VI (tháng 12/1986), Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trải qua chặng đường hơn 36 năm, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. |
Trong tiến trình của công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đưa đến những thay đổi về chất trong thế và lực của đất nước, công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong những thành tựu chung của đất nước, góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”.
Để khẳng định được vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, Việt Nam đã và đang phấn đấu dần đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hoà giải, sáng kiến, tích cực, có trách nhiệm” tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể.
Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thuộc tất cả các châu lục và có quan hệ tốt đẹp với các nước lớn, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc gia (trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện.
Việt Nam đã gia nhập ASEAN năm 1995; ASEM năm 1996; APEC năm 1998; WTO năm 2007; CPTPP năm 2018; đăng cai thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2006 và 2017; Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai năm 2019…
Năm 2020, Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Đã có 71 nước công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam phối hợp với Bệnh viện dã chiến cấp 1 Pakistan lấy máu, test nhanh, tư vấn cho người dân Nam Sudan cách phòng, chống HIV/AIDS. |
Việt Nam là một thành viên tích cực của hầu hết các văn kiện cơ bản về quyền con người của Liên hợp quốc và đã được bầu là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2014-2016. Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 và 2020. Trong đó, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, vang dội, trọn vẹn và thực chất. Hơn 550 cuộc họp, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN.
Việt Nam 2 lần được bầu giữ chức Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, nhiệm kỳ 2020-2021 (nhiệm kỳ 2020-2021 đạt số phiếu 192/193). Đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an ngay trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ (tháng 1/2020), Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thể hiện hình ảnh một Việt Nam trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thoả đáng cho các tranh chấp, xung đột...
Nhiều sáng kiến, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, khu vực khác như ASEM, APEC, G20, WEF, các cơ chế Tiểu vùng Mê Công… được các nước ủng hộ, đánh giá cao.
Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao khi ngày 11/10/2022, tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ khóa 77 ở New York (Mỹ), Việt Nam lần thứ 2 trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.
Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977-2022). Việt Nam và các nước ASEAN đang nỗ lực tăng cường vai trò trung tâm của Khối trong duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương; khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đóng góp trách nhiệm vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Có thể nói, những kết quả đã đạt được toàn diện sau hơn 36 năm đổi mới trên tất cả các lĩnh vực, một lần nữa khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế do Đảng ta khởi xây, lãnh đạo, tổ chức thực hiện rất phù hợp với nhịp bước của thời đại. Đó cũng là hai nhiệm vụ chiến lược thực hiện mục tiêu chung phát triển cơ đồ đất nước.
Thành công của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo của đất nước, tăng cường xung lực cho đời sống xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ta.
Cơ đồ đất nước ngày càng lớn mạnh, vững chắc, tạo phong độ mới, thế mới, lực mới để Việt Nam vươn tầm, có đủ sức lực và trí tuệ, sánh vai cùng bạn bè thế giới.
Chúng ta tin tưởng rằng, cơ đồ đất nước sẽ ngày càng vững chắc hơn, tươi sáng hơn với mục tiêu cao đẹp: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, dưới ánh sáng đường lối Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng, phát triển đất nước trở thành một quốc gia giàu mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin