Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, từ năm 2019, các chi bộ cơ quan cấp xã trên địa bàn tỉnh đã được giải thể để các đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ khu dân cư (CBKDC). Sau gần 5 năm triển khai nội dung này, không thể phủ nhận những hiệu quả mang lại, song vẫn có hai luồng ý kiến khác nhau. Một bên thì cho rằng cần tiếp tục duy trì, một bên thì tha thiết đề nghị sớm tái thành lập chi bộ cơ quan cấp xã để việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như xem xét, bồi dưỡng kết nạp Đảng cho công chức cấp xã được thuận lợi, hiệu quả hơn...
Gần dân, sát dân, được lắng nghe trực tiếp ý kiến, phản ánh của người dân, từ đó kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cơ sở… là những ưu điểm nổi bật của việc đưa đảng viên công chức cấp xã về sinh hoạt tại CBKDC. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với một tỷ lệ chi bộ nhất định, mà nguyên nhân chủ yếu là do mỗi nơi lại có đặc điểm, cách triển khai và đánh giá khác nhau. Chính vì thế, ngay trong cùng một xã, phường, thị trấn, lại có những ý kiến trái chiều về nội dung này…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Đình (Phú Bình) tham gia sinh hoạt và phát biểu tại một cuộc họp của Chi bộ xóm Vũ Chấn. |
Những hiệu quả bước đầu
Việc giải thể chi bộ cơ quan cấp xã để các đảng viên về sinh hoạt tại CBKDC được thực hiện theo Kết luận số 38-KL/TW ngày 13/11/2018 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
|
Theo đánh giá của người đứng đầu cấp ủy nhiều địa phương, sau gần 5 năm thực hiện, đã có những hiệu quả rõ rệt trong sinh hoạt và hoạt động của nhiều CBKDC. Có nơi, đảng viên công chức xã, phường đã trở thành lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ của chi bộ. Từ đó, giúp thực hiện hiệu quả công tác vận động quần chúng ở cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Đảng ủy xã Bản Ngoại (Đại Từ) chia sẻ: Thực tế cho thấy, ở cơ sở thường có những vấn đề nảy sinh, nhiều điều bà con chưa nắm bắt đầy đủ. Vì thế, đảng viên công chức cấp xã sẽ là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với bà con và ngược lại. Họ là người vừa thực hiện, vừa giám sát.
Đơn cử như phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” theo Nghị quyết số 07-NQ/HU của Huyện ủy Đại Từ, việc đầu tư mở rộng hàng loạt tuyến đường trục xã, trục xóm nếu không có tiếng nói, sự đóng góp tích cực của đội ngũ đảng viên công chức xã cùng với các đảng viên của CBKDC thì khó có thể hoàn thành.
Đồng chí Dương Đình Phượng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Đình (Phú Bình) phân tích: Một số bí thư chi bộ năng lực còn hạn chế nên việc tiếp nhận, truyền tải thông tin từ cấp trên về triển khai tại chi bộ nhiều khi không đầy đủ, kịp thời. Thậm chí có việc còn hiểu và thực hiện chưa đúng. Vì thế, đảng viên công chức cấp xã khi sinh hoạt cùng, nhất là các đồng chí giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt sẽ kịp thời nắm bắt thông tin, hướng dẫn để chi bộ thực hiện tốt hơn.
Mỗi nơi một cách vận dụng
Những hiệu quả tích cực mang lại với nhiều địa phương là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc giải thể chi bộ cơ quan, đưa đảng viên công chức cấp xã về sinh hoạt tại CBKDC cũng đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế.
Theo hướng dẫn, việc bố trí nơi sinh hoạt được thực hiện theo hướng: Đảng viên cư trú ở chi bộ nào thì sinh hoạt ở chi bộ đó; đảng viên được phân công về các địa bàn đang có nhiều vấn đề khó khăn, cần tăng cường hỗ trợ; đảng viên ở địa phương khác thì được đưa về sinh hoạt tại chi bộ có trụ sở UBND cấp xã đứng chân.
Nhờ có sự tham gia tích cực của nhân dân, đảng viên, trong đó có các đảng viên công chức cấp xã, nên phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” ở huyện Đại Từ đã lan tỏa rộng khắp, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. |
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện mỗi nơi một khác: Có địa phương bố trí rải đều công chức về các CBKDC; có địa phương thì bố trí phần lớn đảng viên công chức là người địa phương khác sinh hoạt tại CBKDC nơi trụ sở UBND xã/phường đứng chân, trong khi nhiều chi bộ khác lại không có đảng viên công chức nào; có nơi lại bố trí tất cả công chức không phải người địa phương tham gia sinh hoạt tại một chi bộ cơ quan, như Trạm y tế xã, mà không phải là CBKDC… Chính vì thế, hiệu quả đạt được không như mong đợi.
|
Đơn cử như tại xã Thượng Đình và thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), các đảng viên công chức xã không phải người địa phương, cơ bản được bố trí tham gia sinh hoạt với Chi bộ Trạm Y tế (tại thị trấn Hương Sơn, có cả đồng chí Chủ tịch UBND thị trấn). Số còn lại, ai ở xóm nào thì sinh hoạt tại chi bộ xóm đó. Có những xóm có tới 3-4 công chức cùng sinh hoạt.
Vì vậy, chỉ có khoảng 1/2 CBKDC ở các địa phương này có đảng viên công chức tham gia sinh hoạt. Điều này đồng nghĩa, mục tiêu nắm bắt kịp thời thông tin hay thông tin kịp thời những vấn đề người dân quan tâm… mà Bộ Chính trị hướng đến chưa đạt hiệu quả cao.
Nhiều chuyện... khó nói
Việc thực hiện nhiệm vụ một nơi, sinh hoạt đảng một nơi khác khiến việc đánh giá, nhận xét cuối năm của nhiều CBKDC trở nên khó khăn. Việc xây dựng và thực hiện nghị quyết của chi bộ cũng rất khó gắn với nhiệm vụ chuyên môn của họ. Chính vì thế, việc đánh giá chất lượng cán bộ đảng viên công chức nhiều nơi vẫn còn cảm tính, phiến diện.
Nếu như trước đây, khi còn chi bộ cơ quan, cũng giống như các tổ chức cơ sở đảng khác, tỷ lệ đảng viên xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ được tối đa 15%/tổng số đảng viên. Tuy nhiên, kể từ khi đảng viên công chức về sinh hoạt tại CBKDC, thì số người được công nhận đảng viên xuất sắc ở nhiều nơi đã tăng mạnh (có nơi đạt tới 65-70%).
Có đồng chí Bí thư Đảng ủy cấp xã nói vui: Chúng tôi về sinh hoạt tại CBKDC, “lấy hết” suất xuất sắc của bà con. Nhiều khi chúng tôi không muốn nhận, thậm chí còn nói rõ dù chi bộ có bình xét thì cũng không đủ điều kiện để được Đảng bộ công nhận, nhưng chi bộ vẫn “không nghe”.
Ngược lại có nơi, đảng viên trong chi bộ lại đòi hỏi đảng viên công chức cao hơn mức bình thường, như phải tham gia đầy đủ các hoạt động của địa phương. Trong khi đó, đối với các công chức thì nhiệm vụ chuyên môn luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu nhiệm vụ cơ quan không sắp xếp được thì ngay cả việc sinh hoạt chi bộ hàng tháng cũng phải nghỉ, nói gì đến việc tham gia các hoạt động khác.
Việc bồi dưỡng, phát triển đảng viên là công chức cấp xã cũng gặp nhiều khó khăn, cũng do thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và việc theo dõi đánh giá không cùng một nơi nên khó được ghi nhận.
Một bất cập khác cũng được đồng chí Phạm Thị Hồng Hạnh, Bí thư Đảng ủy phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) chia sẻ thêm: Trước đây, khi Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cấp xã muốn giám sát đảng viên về thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao thì chỉ cần giám sát đảng viên và chi bộ cơ quan. Nhưng giờ, do CBKDC không nắm bắt được việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đảng viên nên Ủy ban Kiểm tra buộc phải mời đại diện lãnh đạo UBND cùng tham gia...
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin