Để Thần Sa vợi bớt khó khăn

10:59, 06/01/2008

 Thần Sa (Võ Nhai) nổi tiếng với Mái đá Ngườm- Khu di tích lịch sử khảo cổ thuộc di chỉ thời kỳ trung đồ đá cũ. Bản Ná ở Thần Sa cũng gợi về một thời khai thác vàng rầm rộ ở Thái Nguyên những năm 90 của thế kỷ trước. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi không nói nhiều về vấn đề này mà chỉ đề cập tới cuộc sống của người dân xã Thần Sa- hậu vùng vàng một thời.

Qua cầu treo, vượt qua nhiều con dốc, chúng tôi đến Bản Ná (xóm Xuyên Sơn, Thần Sa) một bản nổi tiếng về khai thác vàng những năm 90 của thế kỷ trước. Trong thung lũng khoảng chừng trên 30 ha này có lúc đã chứa tới hàng vạn người. Ngồi trong nhà sàn của gia đình ông Dương Văn Phan- mà người dân Bản Ná thường gọi Pu Thuý (tức cụ Thuý- Thuý là tên cô cháu gái nội) chỉ tay về phía trước mặt, ông nói: “Thung lũng này trước kia là một cánh đồng rất màu mỡ nhưng giờ chỉ còn những hố sâu nham nhở đến cây cỏ dại cũng chẳng mọc được. Năm 1997, vào thời kỳ khai thác vàng rầm rộ, gia đình không làm ruộng nữa mà để cho người ta đào đãi đổi lấy vàng mua gạo. Cũng chính vì thế mà giờ để cải tạo thung lũng này trở thành cánh đồng như xưa kia biết bao nhiêu tiền mới làm xuể.

Chiếc ao ngay đầu thung lũng kia có độ sâu khoảng vài chục mét được gia đình ông Lý Văn Học thả 3 triệu đồng tiền cá giống. Là địa bàn hậu vùng vàng nên lương thực, thực phẩm, xăng dầu... vận chuyển về Thần Sa giá cả đội lên nhiều. Đơn cử: 1 kg gà giá 70.000 đồng; 1 lít xăng: 17.000 đồng; gạo Khang Dân: 8.500 đồng/kg.... Dù vậy, gia đình Pu Thuý vẫn là một trong số những hộ có mức sống khá của xã Thần Sa.

Từ khi có Chương trình 135, đời sống của người dân trong xã từng bước được cải thiện. Năm 1999, công trình kiên cố đầu tiên của xã là công trình cầu treo liên xóm bắc qua sông Cái (một nhánh của sông Cầu, còn gọi là sông Thần Sa) giúp cho người dân đi lại dễ dàng; 5/9 xóm có điện lưới quốc gia. Điều kiện kinh tế khó khăn nên xã cũng đặc biệt chú trọng tới việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Trong năm 2007, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức tập huấn cho 120 lượt người ở các xóm Trung Sơn, Kim Sơn, Hạ Sơn Tày và Hạ Sơn Dao kỹ thuật thâm canh chè, làm ô mẫu lúa lai và kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi...

Một số xóm có điều kiện phát triển kinh tế như Hạ Sơn Dao, Kim Sơn, Trung Sơn. Nguồn vốn vay để phát triển sản xuất từ nguồn của các dự án phát triển chăn nuôi trâu, bò và tăng gia sản xuất, xoá đói giảm nghèo, hiện dư nợ trong dân gần 3 tỷ đồng. Xã đã triển khai thực hiện tốt chương trìnnh hỗ trợ sản xuất cho các hộ đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, trong đó có 30 hộ đăng ký trồng 4,4 ha chè; 10 hộ đăng ký mua trâu bò; 20 hộ đăng ký mua máy chế biến chè; Chương trình 134 có 21 hộ đăng ký hỗ trợ làm nhà, trong đó có 8 nhà đã hoàn thành, 59 hộ làm công trình nước sinh hoạt tập trung tại xóm Hạ Sơn Dao và 56 hộ đăng ký làm công trình nước riêng lẻ...

Tuy vậy, cuộc sống của người dân xã Thần Sa vẫn còn rất khó khăn bởi nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan, mà yếu tố quan trọng hàng đầu là do địa hình, đi lại khó khăn.

Ông Trần Văn Tập, Chủ tịch UBND xã Thần Sa cho biết: Thần Sa là một trong những xã rộng nhất của Võ Nhai, có diện tích 10.262 ha, trong đó rừng núi đá vôi chiếm 2/3 diện tích, trong khi diện tích đất lúa chỉ có trên 108 ha (25 ha cấy 2 vụ); diện tích ngô cả năm là 53,2 ha; tổng sản lượng lương thực đạt trên 770 tấn. Toàn xã có gần 2.500 nhân khẩu, sinh sống ở 9 xóm. Xóm xa nhất là Thượng Kim, cách trung tâm xã 25 km, không có đường ô tô, muốn đến được đây phải đi bộ đoạn đường ít nhất là 10 km. 36 hộ dân ở Thượng Kim ở thành 3 chòm (Thượng Kim, Hạ Kim và chòm giáp với xã Sảng Mộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy...

Địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, lại chưa có mô hình sản xuất rõ rệt nên số hộ nghèo ở Thần Sa vẫn chiếm tỷ lệ cao: Năm 2005 là 72,23%; năm 2007 là 68,9%, riêng xóm Thượng Kim: 100% số hộ đều thuộc diện nghèo; số hộ khá của cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay: 8/484 hộ. Đồng chí Chủ tịch UBND xã thẳng thắn: Chúng tôi cũng chẳng biết làm thế nào để giúp người dân phát triển kinh tế, bởi có những xóm như Tân Kim, Thượng Kim, Ngọc Sơn 2... ruộng nương ít, thậm chí không có...

Làm thế nào để Thần Sa thoát nghèo luôn là điều mà cán bộ xã trăn trở. Trước mắt, Thần Sa mong muốn được tạo điều kiện đầu tư xây dựng kênh mương nội đồng và đập giữ nước cho các xóm còn khó khăn về nguồn nước; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình cơ bản như tuyến đường từ trung tâm xã đi Mái Đá Ngườm và Hạ Sơn Dao, Tày và Phân trường Tân Kim; quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường từ xóm Tân Kim đi Hạ Kim...