Sinh viên sư phạm ra trường phải tiếp cận ngay được Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Theo NDĐT 13:57, 11/03/2023

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn yêu cầu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đào tạo sinh viên sư phạm ra trường phải tiếp cận ngay được Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và trang bị cho sinh viên năng lực sư phạm để truyền tải được chương trình mới.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa có buổi làm việc với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Báo cáo về tình hình của nhà trường, PGS,TS Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường Sư phạm Hà Nội 2, cho biết, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ khoa học trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ trình độ lĩnh vực khoa học giáo dục; thiết lập mô hình tiêu biểu về mạng lưới kết nối giữa trường sư phạm với các trường phổ thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đã bồi dưỡng cho khoảng 3.000 giáo viên phổ thông cốt cán và hỗ trợ bồi dưỡng cho gần 60 nghìn giáo viên phổ thông.

Cùng với công tác bồi dưỡng, nhà trường cử hơn 50 lượt giảng viên tham gia viết, thẩm định sách giáo khoa trong khuôn khổ Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mỗi năm, có hàng trăm lượt giảng viên của trường cùng đội ngũ chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo viết tài liệu, thẩm định tài liệu và là báo cáo viên cho các chương trình bồi dưỡng do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những đóng góp của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 trong sự phát triển chung của ngành, nhất là trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng đánh giá, nhà trường đã khẳng định được vị trí khá quan trọng trong hệ thống các trường đại học sư phạm trên cả nước, thuộc nhóm 5-7 trường sư phạm hàng đầu.

Bộ trưởng đề nghị, nhà trường cần tiếp tục nghiên cứu, suy nghĩ để lựa chọn mô hình, cơ cấu ngành nghề phù hợp. Cùng với đó, cần rà soát, điều chỉnh chiến lược phát triển phù hợp với chiến lược phát triển của ngành. Trong đó, nhiệm vụ phát triển đội ngũ phải đặt thành trọng tâm.

“Làm sao đào tạo sinh viên sư phạm ra trường phải tiếp cận ngay được Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phải trang bị cho sinh viên năng lực sư phạm để truyền tải được chương trình mới, không để sinh viên sư phạm ra trường nhưng vẫn theo cách tiếp cận cũ, vẫn phải tập huấn lại”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Từ thực tế đã và đang tham gia vào triển khai đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ trưởng “đặt hàng” Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 một số nhiệm vụ: tăng cường tập huấn giáo viên triển khai chương trình mới; khảo sát hiệu quả thực tế của nhóm giáo viên cốt cán; khảo sát, đánh giá bắt nhịp triển khai chương trình mới của đội ngũ giáo viên, từ đó đề xuất điều chỉnh chính sách phù hợp…

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có 14 đơn vị đào tạo với 42 chương trình đào tạo. Quy mô đào tạo là hơn 8.000 sinh viên đại học chính quy, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp (bình quân trong 3 năm gần đây) là 96,34%.

Trong thời gian tới, nhà trường tập trung 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nghiên cứu chuyển đổi mô hình trường đại học đơn ngành thành trường đại học đa ngành; Xây dựng và thực hiện chiến lược chuyển đổi số nhà trường; Tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập, đáp ứng tốt nhu cầu xã hội, từng bước đạt chuẩn khu vực; Đổi mới công tác quản trị theo hướng hiện đại; Nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, thư viện, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.