Cải cách hành chính trong ngành Công an:
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân

Nhị Hà 08:03, 07/03/2023

Công tác cải cách hành chính được Công an tỉnh Thái Nguyên xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, hiện nay, một số dịch vụ công trực tuyến đã và đang được ngành Công an triển khai hiệu quả.

Công an xã Yên Ninh (Phú Lương) hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC.
Công an xã Yên Ninh (Phú Lương) hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC.

Từ giữa tháng 5/2022, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) bắt đầu cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, như: Thẩm duyệt thiết kế, phê duyệt phương án chữa cháy cơ sở; cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; chứng nhận nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ; phục hồi lại hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, cá nhân… Theo đó, người dân và tổ chức, doanh nghiệp có thể nộp/nhận hồ sơ bất cứ thời gian nào trong ngày và bất cứ nơi đâu có kết nối Internet và máy tính/thiết bị di động thông minh.

Theo Thiếu tá Nguyễn Sơn Tùng, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ: Trong quá trình triển khai, chúng tôi đã tiếp nhận ý kiến phản hồi về những khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn các cá nhân, tổ chức cách khắc phục.  Đối với Công an cấp huyện và xã cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp cho tổ chức, cá nhân khi tới giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về PCCC như: hỗ trợ tạo tài khoản, scan tài liệu, các bước thực hiện trên máy tính…

Tương tự, lực lượng Cảnh sát giao thông Thái Nguyên cũng vừa tổ chức đợt tuyên tuyền dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an trong lĩnh vực đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và thu nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính. Đối tượng tuyên truyền là các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, mua bán ô tô, xe máy trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, đối với người dân, việc cơ quan Công an thực hiện đăng ký, khai báo phương tiện giao thông; đăng ký quản lý cư trú; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; đăng ký, quản lý con dấu… theo hình thức trực tuyến; đăng ký, biển số xe ở Công an cấp xã; cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử hay đến tận nhà để làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp và hướng dẫn đăng ký định danh điện tử đã tạo thuận lợi tối đa, giúp giảm thời gian và chi phí khi thực hiện các TTHC.

Theo thống kê, trong năm 2022, Công an tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành cắt giảm 48 thủ tục (đạt tỷ lệ 30% số thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa); 100% Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai các TTHC và địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức liên quan giải quyết TTHC.

Trong năm 2022, lực lượng Công an tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 557.974 hồ sơ TTHC liên quan đến tổ chức, cá nhân; 100% thủ tục được tiếp nhận, giải quyết đúng quy định, trong đó trả kết quả trước thời hạn là 347.927 hồ sơ (chiếm 62,3%); có hơn 20 nghìn hồ sơ được trả qua dịch vụ bưu chính công ích. Công an tỉnh đã cung cấp 125 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an; tiếp nhận, giải quyết 71.090 hồ sơ trực tuyến...

Để tạo sự lan toả về công tác cải cách hành chính, Công an các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền như: phổ biến đến cán bộ, chiến sĩ tại các buổi giao ban; lồng ghép nội dung cải cách hành chính trong các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải tin, bài về nội dung này trên trang thông tin điện tử hoặc mạng xã hội Facebook, Zalo; phát tờ rơi, pano, áp phích để tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng...

Ngoài ra, 13/13 Công an đơn vị, địa phương có chức năng giải quyết TTHC đều tổ chức ít nhất 2 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp/năm để giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tuyên truyền thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, Công an tỉnh Thái Nguyên xác định tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm các TTHC và giảm bớt văn bản, giấy tờ không cần thiết; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; nâng cấp thêm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lên mức độ 4 đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và tăng tỷ lệ phát sinh hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tiếp nhận, giải quyết… Qua đó, tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân và góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.