Trong các thời kỳ kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Phú Lương đã anh dũng, đoàn kết góp sức người, sức của chống quân xâm lược. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, ngày nay, đội ngũ cán bộ và nhân dân địa phương tiếp tục đồng sức, đồng lòng thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Vùng đất Anh hùng
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, phong trào đấu tranh cách mạng trên địa bàn huyện Phú Lương đã nhanh chóng hòa nhập với phong trào cách mạng của tỉnh và cả nước; thanh niên hăng hái xung phong ra tiền tuyến, nhân dân tích cực tăng gia sản xuất để chi viện cho chiến trường. Toàn huyện đã huy động được hàng vạn lượt dân công đưa hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, lương thực đến các chiến trường; động viên hàng nghìn thanh niên lên đường tòng quân giết giặc.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện đã thực hiện được 40 đợt tuyển quân lớn, nhỏ, huy động trên 4 nghìn con em ưu tú lên đường nhập ngũ; chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân chi viện hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm cho chiến trường miền Nam…
Không chỉ vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, quân và dân địa phương đã che chở, bảo vệ an toàn cho các cơ quan, đơn vị Trung ương đóng chân trên địa bàn, như: Cục Công binh, Cục Dân quân, Cục Vận tải, Trường Đại học Y Hà Nội, địa điểm sản xuất súng Bazoka đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam…
Ngoài ra, trên mảnh đất Phú Lương cũng đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của Chính phủ, Quân đội ta. Trong đó nổi bật là địa điểm diễn ra Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tại xã Hợp Thành; nơi diễn ra Lễ thành lập Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308) - Đại đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam; nơi Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa tại xã Phủ Lý…
Với những đóng góp đó, huyện Phú Lương đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và nhiều phần thưởng cao quý khác. Trên địa bàn huyện có 6 xã được công nhận xã An toàn khu.
Nỗ lực trong thời bình
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, kể từ khi bước vào công cuộc đổi mới đến nay, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo chính quyền, nhân dân đoàn kết vượt qua khó khăn để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, trọng tâm là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững.
Để thực hiện hiệu quả 2 chương trình trên, huyện đặc biệt chú trọng huy động các nguồn vốn và phát huy nội lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, tỷ lệ đường trục xã, liên xã được cứng hóa trong toàn huyện đạt 90,68%, tăng 70km so với năm 2010; đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm đạt chuẩn chiếm trên 63%; 153km kênh mương được kiên cố hóa hàng năm, bảo đảm tưới tiêu chủ động cho hơn 6.600ha đất sản xuất nông nghiệp…
Đi liền với đó, các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân cũng được các xã chú trọng thực hiện thông qua việc định hướng, hỗ trợ vay vốn nhằm khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp; xây dựng các đề án phát triển nông nghiệp, trong đó cây chè và cây lâm nghiệp được xác định là cây trồng chủ lực để giảm nghèo và làm giàu của nhân dân địa phương. Không chỉ vậy, những năm gần đây, công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng đạt hiệu quả cao. Trong giai đoạn 2015-2020, bình quân mỗi năm, huyện tạo việc làm mới cho trên 2.000 lao động.
Bên cạnh phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện cũng chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng; UBND huyện quan tâm hơn đến việc bảo tồn, tôn tạo hệ thống các di tích lịch sử và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.
Chị Nguyễn Tú Linh, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Đu chia sẻ: Hằng năm, chúng tôi đều xây dựng và triển khai các nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng tới đoàn viên, thanh niên thông qua các buổi sinh hoạt thường kỳ. Cùng với đó, quan tâm tổ chức chương trình thăm, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ; ra quân dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc khuôn viên các nghĩa trang liệt sĩ và điểm di tích lịch sử trên địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Văn Quý, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Trong các giai đoạn đấu tranh cách mạng và phát triển, Đảng bộ huyện luôn nắm vững ngọn cờ lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, từ một huyện kinh tế thuần nông, đến nay các thành phần kinh tế trên địa bàn đã đa dạng hơn, kinh tế phi nông nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Diện mạo mảnh đất Phú Lương Anh hùng ngày càng đổi mới, khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện…
Đến nay, huyện Phú Lương có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,33%; thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng/người/năm (tăng 13 triệu đồng so với năm 2015).