Phát triển đảng viên trong doanh nghiệp: "Gieo mầm" từ cơ sở

Văn Hiến 08:56, 16/02/2023

Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên có 16 đảng bộ trực thuộc, 604 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và trên 97.000 đảng viên, chiếm khoảng 7,46% dân số và đứng thứ 13 trong cả nước về số đảng viên. Tuy nhiên, công tác phát triển đảng viên mới tại một số địa bàn, khu vực của tỉnh đang gặp khó khăn, nhất là trong khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước…

Lễ kết nạp đảng viên của Chi bộ Công đoàn - Doanh nghiệp (Đảng bộ Các khu công nghiệp tỉnh). Ảnh: T.L

Xác định được tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển đảng viên, xây dựng TCCSĐ trong doanh nghiệp, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này. Cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập mới và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Từ đó, số lượng doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng nhanh.

Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh mỗi năm tăng bình quân trên 800 doanh nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2022, toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 850 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký khoảng 9.000 tỷ đồng. Qua đó nâng tổng số doanh nghiệp lên 8.850 đơn vị, với tổng số vốn đăng ký trên 129.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Đảng bộ tỉnh có 2 đảng bộ doanh nghiệp Nhà nước cấp trên cơ sở (Đảng bộ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Đảng bộ Công ty CP Kim loại mầu - Vimico), 140 TCCSĐ và 358 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng bộ các huyện, thành phố và Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh. Trong những năm qua, Thái Nguyên đã nỗ lực xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp; số lượng, chất lượng đảng viên ngày càng được nâng cao.

Đánh giá của cơ quan chuyên môn cho thấy, đa số đảng viên được chủ doanh nghiệp tin tưởng, tín nhiệm đã gắn bó, chia sẻ trách nhiệm với chủ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất - kinh doanh. Các chủ doanh nghiệp là đảng viên đã phát huy tốt vai trò, tính tiền phong gương mẫu.

Tổ chức đảng trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, người lao động; phối hợp với hội đồng quản trị công ty, chủ doanh nghiệp giải quyết kịp thời những vướng mắc, định hướng tuyên truyền, ổn định tình hình, không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người...

Một buổi sinh hoạt thường kỳ của Chi bộ bộ phận thành phẩm, thuộc Đảng bộ Công ty CP Xi măng La Hiên. Ảnh: Thu Viền (Võ Nhai)

Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, nhưng khi đánh giá tổng thể, Tỉnh ủy Thái Nguyên nhận thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức đảng còn thấp (chiếm khoảng 11% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động); việc tạo nguồn phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, đa số các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều đơn vị chưa đủ điều kiện để thành lập tổ chức đảng, đoàn thể. Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, hoạt động của các đoàn thể hầu hết còn phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp; chưa có cơ chế để chủ doanh nghiệp tư nhân khuyến khích, động viên người lao động học tập, rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.

Theo đồng chí Dương Văn Lượng, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên: TP. Thái Nguyên hiện có 2.504 doanh nghiệp nhưng mới có 37 chi, đảng bộ thuộc doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, mục tiêu trong phát triển đảng viên không thể không hướng vào quần chúng đang làm việc trong các doanh nghiệp.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương về tăng cường củng cố, xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đảng viên trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Đồng chí Dương Xuân Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết: Cơ quan chuyên môn của tỉnh sẽ nghiên cứu để tham mưu với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành khung quy chế làm việc của cấp ủy, xác định rõ mối quan hệ phối hợp giữa cấp ủy với lãnh đạo, chủ đơn vị kinh tế tư nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của đơn vị với sự phát triển của tổ chức đảng và quyền lợi của đảng viên trong doanh nghiệp. 

Trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Tỉnh ủy chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp trên cơ sở rà soát khi có đủ từ 3 người lao động là đảng viên chính thức đang làm việc ổn định từ 12 tháng trở lên nhưng sinh hoạt Đảng ở nơi khác, tiến hành chuyển số đảng viên đó về tổ chức đảng cấp trên cơ sở, phối hợp với doanh nghiệp làm các thủ tục thành lập tổ chức đảng.

Đối với doanh nghiệp trong tỉnh chỉ có 1 hoặc 2 người lao động là đảng viên chính thức, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở quyết định thành lập chi bộ ghép hoặc phân công đảng viên của tổ chức đảng cấp trên cơ sở về sinh hoạt và thành lập tổ chức đảng tại doanh nghiệp; chi bộ ghép có trách nhiệm thực hiện công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp, khi có đủ 3 người lao động là đảng viên chính thức làm việc cùng doanh nghiệp, cấp ủy cấp trên cơ sở quyết định thành lập tổ chức đảng tại doanh nghiệp...

Đến hết năm 2022, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên có 148 TCCSĐ trong doanh nghiệp và 368 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước có 98 TCCSĐ, chiếm 68,53% và 276 chi bộ trực thuộc, chiếm 75%; doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có 41 TCCSĐ, chiếm 28,67% và 89 chi bộ trực thuộc, chiếm 24,18%. Số đảng viên sinh hoạt tại các TCCSĐ trong doanh nghiệp là 7.717 người (trong đó, đảng viên trong doanh nghiệp Nhà nước là 5.972 người, chiếm 77,39%; đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là 1.696 người, chiếm 21,98%).